'Xanh hóa' chương trình đào tạo: Giải quyết yêu cầu của thực tiễn

GD&TĐ - Xanh hóa chương trình đào tạo là hướng đi của nhiều cơ sở giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Sinh viên Trường ĐH Công đoàn. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Công đoàn. Ảnh: NTCC

Mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế xanh theo định hướng phát triển bền vững.

Giúp người học đạt chuẩn đầu ra

Trong suốt quá trình phát triển, Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Công đoàn luôn chú trọng thực hiện mục tiêu “Xanh hóa chương trình đào tạo”. TS Ngô Quang Trường - giảng viên của khoa cho hay, đây là nhiệm vụ có tính thường xuyên, liên tục với sự tham gia của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa, cùng sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của đơn vị/bộ phận chức năng khác trong trường.

Chương trình đào tạo ngành Quản trị nhân lực định kỳ được rà soát, điều chỉnh, cải tiến trên cơ sở tham khảo các chương trình về quản trị nhân lực của nhiều trường đại học cả trong nước và quốc tế, theo đúng các quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Chương trình hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản trị nhân lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh. Trong đó, chương trình đào tạo xanh là việc thực hiện lồng ghép những yêu cầu về sự bền vững trong các chương trình, khóa học hiện tại của các trường, thể hiện ở 4 khía cạnh bao gồm: Công nghệ xanh; Công nghệ sạch; Việc làm xanh; Xanh hóa ngành đào tạo hiện tại.

Theo ThS Lê Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường ĐH Công đoàn, Xanh hóa chương trình đào tạo được hiểu là định hướng lại các chương trình hiện tại theo hướng bền vững, với việc cung cấp đầy đủ kiến thức cần thiết về phát triển bền vững, môi trường... Từ đó, người học có thể áp dụng những kiến thức đó một cách nhanh nhất tại nơi làm việc.

Nói cách khác, Xanh hóa chương trình đào tạo là việc tìm ra cách thức tích hợp, lồng ghép kiến thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường (hay còn gọi là kiến thức và kỹ năng xanh) vào chương trình đào tạo cũng như thiết kế và phát triển những khóa học định hướng theo những kỹ năng xanh cần thiết. “Chẳng hạn như các khóa học tập trung vào việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và các nguồn năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo…”, ThS Lê Thị Phương Thảo viện dẫn.

Mục đích cuối cùng của Xanh hóa chương trình là đào tạo ra người lao động đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế xanh theo định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, ThS Lê Thị Phương Thảo cho rằng, việc lồng ghép kiến thức về môi trường, kiến thức và kỹ năng xanh vào chương trình đào tạo phải bảo đảm tính logic, sự kết nối giữa các mô-đun (học phần/chuyên đề) trong chương trình đào tạo; giúp người học đạt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, chịu trách nhiệm (chuẩn đầu ra).

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Cần sự phối hợp của doanh nghiệp

Đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực xanh, ThS Cao Anh Thịnh - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp cần phối hợp với cơ sở giáo dục đại học thực hiện lồng ghép kiến thức hiểu biết về môi trường, bảo vệ môi trường vào nội dung đào tạo nhân lực. Cùng đó, tăng cường các chương trình đào tạo, hội thảo về môi trường xanh. Nội dung đào tạo bao gồm các kiến thức, chính sách, quy trình đổi mới hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Ngoài ra, có thể mở rộng mô hình đào tạo trực tuyến về quản lý môi trường nhằm tăng cường kiến thức về môi trường xanh. Muốn vậy, phải xây dựng tài liệu học tập E-learning và các tình huống điển hình theo mô phỏng thay cho việc in ấn tài liệu học tập. Đối với các nhà quản lý, cần được trang bị kiến thức về môi trường như an toàn, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải và tái chế, đảm bảo việc làm bền vững, bình đẳng giới.

PGS.TS Lê Thanh Hà - Trường Đại học Lao động - Xã hội khuyến nghị, các cơ sở đào tạo nên lồng ghép các yếu tố “xanh” và “chuyển đổi số” vào các học phần thuộc chương trình đào tạo các ngành như: Quản trị nhân lực; Kinh tế lao động; Quan hệ lao động; Kế toán… Ngoài ra, có thể mở các lớp đào tạo ngắn hạn về quản lý nguồn nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số gắn với việc cải thiện thương hiệu và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Xanh hóa chương trình đào tạo nói riêng và cơ sở giáo dục đại học nói chung giúp thu hút nguồn tuyển, tạo việc làm bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp.

Qua đó, giúp thế hệ trẻ nhận thức được vấn đề an toàn lao động gắn với năng suất công việc… Muốn vậy, cần đào tạo ý thức xanh, kỹ năng xanh, từng bước giúp các em thay đổi ý thức trách nhiệm với cộng đồng, hoàn thiện kỹ năng xanh trong công việc; từ đó “chinh phục” được doanh nghiệp khi tham gia tuyển dụng.

Theo ThS Dương Thị Lan Hương - Trường ĐH Công đoàn, ChatGPT có nhiều ứng dụng quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực xanh. Theo đó, ChatGPT cung cấp chương trình học tập cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng nhân viên, đồng thời sử dụng các phương pháp hiện đại như video và trò chơi làm cho quá trình học tập trở nên hấp dẫn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ