Hiện, doanh nghiệp (DN) phân phối cũng như người tiêu dùng vẫn thờ ơ nên trung bình mỗi tháng, thị trường Hà Nội chỉ tiêu thụ được 12.680m3 xăng E5, trong khi đó xăng Ron 92 tiêu thụ được khoảng 110.000m3 và xăng Ron 95 chuyên dùng cho xe hạng sang cũng tiêu thụ khoảng hơn 20.000m2...
Doanh nghiệp kêu khó
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, hiện kinh doanh xăng E5 trên địa bàn chủ yếu tập trung vào các DN đầu mối (có 100/136 cửa hàng kinh doanh xăng E5), các thương nhân phân phối (có 23/28 cửa hàng có kinh doanh xăng E5), tỷ lệ cửa hàng kinh doanh xăng E5 trên địa bàn Hà Nội chỉ chiếm 29%.
Thực tế tại một số cửa hàng bán xăng E5 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, công tác quảng bá, tuyên truyền xăng E5 chưa được quan tâm.
Tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đường Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thuộc Petrolimex Hà Nội, mặc dù đã triển khai bán xăng E5 nhưng thông tin về loại xăng này chỉ có duy nhất dòng chữ “xăng E5” in ở cột bơm bán.
Thậm chí, khi khách hàng đề nghị nhân viên bơm xăng cho biết về chất lượng xăng E5 cũng không nhận được thông tin cần thiết để người tiêu dùng (NTD) hiểu về loại nhiên liệu này.
Đứng ở góc độ DN, nhiều người cho rằng, DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung xăng E5. Trên thị trường Việt Nam tại thời điểm này chỉ có 2 nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Công ty Tùng Lâm tại Bình Dương, nên chi phí vận chuyển về Hà Nội cao.
Đối với nguồn cung xăng E5, hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khi các cửa hàng xăng dầu chuyển đổi theo lộ trình. Thế nhưng, giá vốn bình quân của xăng E5 cao hơn xăng Ron 92 khoảng 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí pha chế, bán hàng).
Ngoài ra, khi kinh doanh xăng E5, chi phí tăng thêm 200 đồng/lít do phải đầu tư trạm phối trộn, hao hụt... nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh chung của DN, chưa đem lại hiệu quả kinh tế như với xăng Ron 92.
Trong khi đó, thực hiện lộ trình bán xăng E5, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát sinh thêm chi phí cải tạo, sửa chữa bể... Khối lượng công việc lớn, chi phí phát sinh cao nên đòi hỏi phải thực hiện từng bước, có lộ trình, bảo đảm kinh doanh có lãi...
Nhiều chủ cửa hàng bán lẻ cho biết thêm: Xăng E5 có tỷ lệ tồn chứa hao hụt cao, để lâu ngày bị hút nước dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút, khó tiêu thụ...
Cần chính sách cụ thể để kích cầu
Nhằm giải quyết những khó khăn cho DN, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, DN kinh doanh xăng dầu kiến nghị bên cạnh nỗ lực của bản thân, DN rất cần Nhà nước, Bộ Công Thương có chính sách ưu đãi khi triển khai bán xăng E5, hoặc có cơ chế giá hợp lý, cạnh tranh để khuyến khích NTD sử dụng.
Chỉ như vậy, xăng E5 mới có thể đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích lớn nhất cho NTD và xã hội. Khi sản lượng tiêu thụ tăng, DN mới có điều kiện tiếp tục mở rộng các điểm bán.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ loại nhiên liệu này các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách về giá, thuế, phí, chi phí kinh doanh xăng bảo đảm khuyến khích DN bán xăng E5, nhất là trong thời gian triển khai kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm có công thức giá cơ sở xăng E5 đảm bảo kết cấu đầy đủ khoản chi phí tăng thêm và phần chênh lệch giá vốn giữa xăng E5 với Ron 92, qua đó để DN chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ có văn bản chỉ đạo nêu rõ bắt buộc hay không bắt buộc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải chuyển đổi hoàn toàn hoặc một phần sang bán xăng E5.
Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các Sở Công Thương yêu cầu DN triển khai thực hiện. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần có cơ chế đảm bảo nguồn cung cấp xăng E5 cho các địa phương có chính sách hỗ trợ DN để việc triển khai được đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Thực tế chủ trương hỗ trợ DN trong quá trình tiêu thụ xăng E5 đã được ban hành, nhưng đến thời điểm này, những phương án hỗ trợ vẫn trong quá trình hoàn thiện, DN chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía cơ quan quản lý. Do đó, các DN kinh doanh xăng E5 rất khó để có thể đẩy mạnh tiêu thụ loại nhiên liệu này trong thời gian tới.