Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn đứng im: Nghịch lý chưa có lời giải

GD&TĐ - Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 6 lần giảm, trong đó có 4 lần giảm liên tiếp và 3 lần giảm khá sâu. Thế nhưng, giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Các doanh nghiệp vận tải thì “kêu khó, kêu khổ” trong điều chỉnh giảm giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tất cả lý do đưa ra biện minh chỉ là ngụy biện.

Hành khách vẫn phải chịu mức vé dịch vụ vận tải cao mặc dù giá xăng dầu giảm liên tiếp
Hành khách vẫn phải chịu mức vé dịch vụ vận tải cao mặc dù giá xăng dầu giảm liên tiếp

Giá xăng liên tiếp giảm sâu

Sau 4 lần giảm liên tiếp từ tháng 10 đến kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 6/12, giá xăng dầu ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể, xăng RON95-III giảm từ 22.000 đồng xuống còn 18.459 đồng/lít xăng A95. Xăng E5 từ mức 20.906 đồng/lít xuống mức 17.181 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.544 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.086 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.694 đồng/kg...

Ngày 13/12, một tuần sau quyết định giảm giá các mặt hàng xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính, phóng viên có mặt tại bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tất cả các loại hình vận tải hành khách và hàng hóa ở đây đều không có dấu hiệu giảm giá cước. Chị Hoàng Thị Minh, khách đi tuyến Mỹ Đình - TP Tuyên Quang cho biết, suốt từ đầu năm đến nay, các nhà xe tuyến này vẫn thu vé 100.000 đồng/người.

Anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe tuyến Hà Nội - Cao Bằng cho biết thêm: “Mỗi lần đổ xăng lái xe là người rõ nhất số tiền chênh lệch sau khi xăng xuống giá. Điều này có lợi cho nhà xe rất nhiều. Dẫu thông tin xăng dầu giảm giá các nhà xe đều biết nhưng giá cước tất cả các hãng ở bến Mỹ Đình vẫn không thay đổi. Tôi thấy các nhà xe, hãng vận tải cũng chưa có động thái gì về việc này”.

Bài ca muôn thuở

Hàng chục năm nay tồn tại một thực tế, khi xăng dầu tăng giá sẽ kèm theo biến động giá các mặt hàng khác, trong đó có giá cước các loại hình vận tải nhưng khi xuống lại… không chịu xuống. Nhiều doanh nghiệp vận tải lý giải việc giá cước không thể lên xuống ngay khi giá xăng, dầu tăng giảm là vì họ đều lên phương án dự tính giá xăng có thể tăng lên tới 25.000 đồng/lít hay giảm mạnh xuống dưới 17.000 đồng/lít mới bắt đầu tính chuyện điều chỉnh cước. Bên cạnh đó, muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp phải tốn khá nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước với các cơ quan liên quan, thay đồng hồ cước, bảng biểu, kẹp chì…

Theo đại diện của liên minh Taxi G7, nhiều lần giá xăng tăng trước đó doanh nghiệp vẫn giữ ổn định giá để cạnh tranh trước sức ép của Grab và các ứng dụng gọi xe khác. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa điều chỉnh giảm cước ngay vì còn… nghe ngóng giá xăng dầu thế giới (?!). “Chúng tôi cũng đang bàn bạc về vấn đề này. Có thể sắp tới nhiều hãng tiến hành giảm” - vị đại diện này cho biết.

Các hãng dịch vụ vận tải viện đủ lý do để “né” việc giảm giá cước
Các hãng dịch vụ vận tải viện đủ lý do để “né” việc giảm giá cước 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian và chi phí. Các hãng phải chờ giá xăng, dầu giảm với biên độ đủ rộng mới họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung. Ông Quyền cũng nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh, các doanh nghiệp vận tải thường nhanh chóng tăng giá hơn giảm giá.

“Qua theo dõi tình hình biến động giá xăng dầu, chúng tôi thường khuyến cáo các doanh nghiệp là phải giải quyết hài hòa lợi ích của mình, của xã hội và của người tiêu dùng. Có như vậy mới phát triển bền vững được” - ông Quyền nhấn mạnh. Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 13/12, ông Quyền cho hay, hiệp hội và các thành viên hiện chưa có động thái gì trong việc giảm giá cước vận tải.

Thiếu chế tài đủ mạnh

Nguyên nhân của việc chây ì, không giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của cơ quan chức năng, môi trường kinh doanh chưa thật sự cạnh tranh, phản ứng từ phía người tiêu dùng và các phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ mạnh. Những lý do mà các doanh nghiệp vận tải đưa ra để biện minh cho việc chậm giảm giá cước chỉ là sự ngụy biện. Ví dụ như, lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định là không hợp lý. Với mức giá xăng như hiện tại, giá cước taxi phải giảm từ 700 - 900 đồng/km bởi chi phí cho xăng dầu hiện nay với taxi chiếm khá cao trong cơ cấu giá cước.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới. Cơ quan quản lý Nhà nước nước cần có quy định để định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp vận tải khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào đến biên độ nào thì phải có trách nhiệm điều chỉnh giá. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không kiểm tra, kiểm soát để trục lợi như vậy là không hợp lý. Nhà nước cần có quy định rõ, khi giá xăng tăng lên mức bao nhiêu, giảm xuống mức bao nhiêu thì phải điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa trên thị trường.

Về vấn đề thủ tục, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, việc điều chỉnh lại đồng hồ trên xe taxi khá dễ dàng và các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể sử dụng giá cước in sẵn, có thể thay đổi nhanh chóng thay vì dán cố định trên xe. Ngoài ra, các hãng taxi truyền thống đang có sự liên kết, sử dụng công nghệ để phục vụ khách hàng. Vì vậy, việc tăng giảm giá cước thông qua ứng dụng công nghệ, cho phù hợp với thị trường cũng rất dễ dàng. Nếu đã ứng dụng công nghệ để cạnh tranh với Grab thì không nên ứng dụng công nghệ một cách nửa vời như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.