Cước vận tải vẫn thách thức đà giảm của xăng dầu

GD&TĐ - Giá xăng dầu trong nước lại vừa giảm thêm 310 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 13 liên tiếp trong vòng nửa năm trở lại đây. 

Cước vận tải vẫn thách thức đà giảm của xăng dầu

Tuy nhiên, hiện đang có một nghịch lý là tuy giá xăng giảm mạnh, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu - đặc biệt là giá dịch vụ vận tải vẫn “án binh bất động”, hoặc chỉ giảm giá theo kiểu nhỏ giọt, thậm chí có doanh nghiệp (DN) còn chưa và không hề có kế hoạch... giảm giá.

Giảm... nhỏ giọt

Sau 13 lần giảm giá liên tiếp tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diesel 6.190 đồng/lít (27,2%). Ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo tính toán thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 35% (xe chạy xăng); 35 - 45% (xe chạy dầu) giá thành cước vận tải. Như vậy, tới thời điểm này, giá cước vận tải có thể giảm từ 10 - 15%.

“Theo tính toán của ngành giao thông cũng như chúng tôi cho thấy, trong cơ cấu vận tải, chi phí nhiên liệu bình quân chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, sau 13 lần xăng dầu giảm giá với mức giảm hơn 30% thì việc các DN vận tải chỉ giảm 5% - 8% trong thời gian qua là chưa phù hợp. Do vậy, cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát giá cước vận tải, cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Bởi thực tế cho thấy, mỗi khi giá xăng dầu tăng thì các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là giá vận tải đều nhanh chóng tăng mạnh và sau đó rất khó giảm. Còn khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa, vận tải vẫn đứng yên hoặc giảm rất ít là chưa tương xứng” - ông Truyền cho biết.

Được biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã có 69/114 DN taxi đăng ký giảm giá cước, tuy nhiên có hơn 50 đơn vị chỉ giảm từ 200 - 500 đồng/km (2 - 5%); 15 đơn vị giảm 800 - 1.000 đồng/km (5 - 8%). Duy nhất chỉ có ba trường hợp giảm từ 1.200 - 1.500 đồng/km (10 - 11%) là Mai Linh, Thành Công và Thanh Nga. Trong số 62 DN vận tải khách cố định trên địa bàn Hà Nội, mới chỉ có 15 đơn vị giảm giá cước phổ biến 4,6 - 7%; chỉ có bốn trường hợp giảm 10 - 15%. Đến nay, chỉ có 2/172 DN vận tải container giảm giá cước 3,4 - 3,9%...

Biện đủ lý do để... neo giá

Mặc dù giá xăng dầu trên thế giới vẫn đang đà giảm giá, nhưng tình trạng DN vận tải trong nước vẫn biện đủ mọi lý do để “cố thủ” đang khá phổ biến hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các DN chưa giảm giá cước mạnh trong tháng 1 của năm 2015 này là do phần lớn đã tiến hành giảm trong tháng 12/2014. Họ cần phải có thời gian chuẩn bị tính toán chứ không thể cứ giá xăng giảm là tiến hành giảm giá ngay được. Thời điểm này, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, yêu cầu DN vận tải giảm giá nếu phát hiện mức giá không hợp lý và DN cố tình chây ỳ không giảm giá theo giá xăng.

“Từ năm 2015, các hãng taxi tại các thành phố lớn phải tính khấu hao cho phương tiện ngắn hơn vì niên hạn xe taxi giảm từ 15 xuống còn 8 năm. Cộng với các chi phí như tiền lương, bảo hiểm... tăng lên so với trước nên sẽ ảnh hưởng với việc giảm giá cước của taxi... Đặc biệt, mới đây hiệp hội đã kêu gọi các đơn vị trước đây đã điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu cần cân đối các yếu tố cấu thành giá cước để điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp, hoàn thành đăng ký giảm giá trước ngày 15/1/2015” - ông Thanh nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải - Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, hiện DN chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước dù đã ký kết nhiều hợp đồng vận chuyển cho năm 2015. “Trước đây, một chuyến xe 50 tấn chạy Hà Nội - Hải Phòng, công ty thu của khách 6,5 - 7 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí dọc đường, xăng dầu... còn 2 triệu đồng để trả lương cho lái xe, khấu hao sửa chữa và tích luỹ. Từ khi siết tải trọng xe, mỗi chuyến xe chúng tôi chỉ thu được 5,5 triệu đồng, nên phải co kéo các khoản để duy trì hoạt động. Nay giá xăng dầu giảm chúng tôi mới “dễ thở” hơn, nên rất khó để giảm giá cước xuống thấp hơn nữa” - ông Hải lý giải.

Được biết, hiện khá nhiều hãng vận tải biện đủ lý do nhằm trì hoãn việc giảm giá cước vận tải. Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên nêu lý do, DN đang phải chịu các chi phí tăng như phí sử dụng đường bộ, phí kiểm định, bảo hiểm, tiền lương, giá vật tư, đầu tư thiết bị GPS, phí duy trì tín hiệu, tăng thêm nhân lực... Do vậy, DN cần thời gian tính toán, cân đối giá phù hợp...

Cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị kiểm tra, giám sát các DN vận tải đối với việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có thay đổi gì lớn về giá cước vận tải sau công điện này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.