Xăm hình tốt hay xấu? Phân biệt giữa sở thích và sự đua đòi

GD&TĐ - Bản thân hình xăm không xấu. Nó có ý nghĩa tốt đẹp hay xấu xa là do hoàn cảnh xã hội cụ thể và góc nhìn của mỗi người.

Nhiều hình xăm trở thành “vũ khí” lợi hại để che sẹo.
Nhiều hình xăm trở thành “vũ khí” lợi hại để che sẹo.

Xăm hình là nghệ thuật làm đẹp có lịch sử lâu đời. Nó ngày càng phát triển mạnh và trở thành sở thích của không ít người. Nhưng với một số người, sở hữu hình xăm trên cơ thể như một đặc điểm của tội phạm hoặc hoặc tầng lớp thấp kém trong xã hội.

Vậy, các bậc phụ huynh dạy con hiểu về vấn đề này thế nào cho chuẩn mực?

Người chịu ánh nhìn “khác”

Ngày nay định kiến về hình xăm đã dần trở nên mờ nhạt. Thậm chí, nhiều người “đảo chiều” suy nghĩ, coi xăm mình là bộ môn nghệ thuật làm đẹp đặc biệt. Tuy vậy, đến nay, xăm mình vẫn chưa được toàn xã hội công nhận như những bộ môn nghệ thuật bình thường khác, đặc biệt là tại các quốc gia Á Đông như ở Việt Nam.

Tuy được chấp nhận và cho phép, nhưng vẫn còn tồn tại số ít những người “dè bỉu” việc xăm hình.

Hình xăm hay những đặc điểm khác trên cơ thể sẽ luôn là “thước đo” được một số người sử dụng để đánh giá khi mới gặp một ai đó. Điều đó đặc biệt chính xác hơn với những người luôn mang theo mình một bộ tiêu chuẩn để áp đặt lên các cá nhân khác.

Đối diện với một hình xăm, có người sẽ chọn sự thấu hiểu, bắt đầu bằng câu hỏi tại sao họ có hình xăm đó hay hình xăm ấy có ý nghĩa gì. Song, với nhiều người, họ chọn kỳ thị và mạt sát. Họ coi hình xăm như một biểu tượng của sự tiêu cực và tệ nạn.

Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại dành cho người sở hữu hình xăm trên cơ thể những ánh nhìn “khác”. Thực tế, những vết mực trên cơ thể không phải lúc nào cũng mang một ý nghĩa tích cực. Vào thời cổ đại ở Trung Quốc, người ta khắc chữ lên trán những kẻ phạm tội để trừng phạt.

Điều này cũng xảy ra trong văn hóa Hy Lạp. Bởi, mọi người coi việc xăm hình là để trừng trị những kẻ bất trị trong xã hội, đánh dấu quyền sở hữu đối với nô lệ hay tù binh để họ không thể trốn thoát.

Trong khi đó, vào khoảng thế kỷ 19, tội phạm thường hoạt động theo bang phái, Mỗi bang phái sẽ sở hữu hình xăm biểu trưng. Điển hình là băng nhóm tội phạm lớn nhất của Nhật Bản - Yakuza. Băng nhóm này khắc lên mình những hình kín người theo cách xăm truyền thống Tebori. Từ đó, nhiều người coi rằng, hình xăm chính là dấu hiệu để nhận diện tội phạm.

Việc xăm mình ở các quốc gia phương Tây được coi là một hình thức làm đẹp.

Việc xăm mình ở các quốc gia phương Tây được coi là một hình thức làm đẹp.

Đạo diễn Lê Hoàng: “Gái xấu xăm gì cũng xấu”

Song, xăm hình ngày nay là hình thức làm đẹp phát triển mạnh ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, xăm hình cũng được nhiều người yêu thích và lựa chọn như một hình thức làm đẹp. Bởi, một hình xăm đẹp có thể dùng để che những vết sẹo trên cơ thể, hoặc ghi dấu ấn về kỷ niệm khó quên trong đời. Thậm chí, hình xăm còn được sử dụng như một biểu tượng làm đẹp, giúp thể hiện cá tính và cái tôi của mỗi người.

Mới đây, vụ việc một cô hiệu phó sở hữu hình xăm sau gáy đã khiến cộng đồng mạng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Trên một số trang mạng xã hội, nhiều ý kiến đồng tình rằng, chi tiết hình xăm của cô hiệu phó là hết sức bình thường. Hình xăm không thể hiện được đó là hình ảnh xấu, mà đó chỉ là biểu tượng mang ý nghĩa cá nhân của cô giáo…

Cũng có một số ý kiến từ phụ huynh cho rằng, hiện nay, việc xăm hình khá phổ biến, còn được coi là nghệ thuật. Miễn, hình xăm này không quá lớn, phản cảm, gây mất thẩm mỹ là được.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến gay gắt phản đối và cho rằng, một số trường học có quy định cấm học sinh xăm hình. Do vậy, giáo viên cũng nên chấp hành. Bên cạnh đó, hình xăm dù không phản cảm, nhưng vô tình làm mất đi hình ảnh đẹp của nhà giáo xưa nay vốn nghiêm khắc, nhưng rất chuẩn mực về mọi thứ.

Có người thậm chí nhận xét: “Nếu giáo viên nào cũng xăm hình sẽ vô tình cổ súy cho học sinh noi theo, đi xăm những hình phản cảm”.

Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng cũng gây tranh cãi khi chia sẻ trên một chương trình truyền hình rằng: “Tôi có một quy luật là con gái đẹp xăm gì cũng đẹp, còn con gái xấu xăm gì cũng xấu”. Nhiều khán giả đã bày tỏ sự không đồng tình trước lời đánh giá này của đạo diễn Lê Hoàng. Song, một số ý kiến cho rằng, quan điểm mà vị đạo diễn này đưa ra là ý kiến cá nhân, tùy theo cách nhìn nhận của từng người.

Không ít sao Việt đã bày tỏ quan điểm về tình trạng kỳ thị đối với việc xăm mình.

Hoa hậu Thu Hoài từng chia sẻ: "Sắp hết năm 2021, con người chuẩn bị chinh phục cả sao Hỏa, nhưng vẫn có những người sẵn sàng công kích người khác chỉ vì họ dám xăm lên cơ thể chính mình? Và mọi cống hiến, nỗ lực, giá trị của họ đều có thể bị phủ nhận, chỉ vì một cen-ti-mét hình xăm ở trên da?". Hoa hậu Thu Hoài nhấn mạnh, trong thời đại 4.0, giá trị của con người nên được đánh giá bằng năng lực, cũng như tư cách và nhân phẩm, thay vì vẻ bề ngoài.

Không chỉ Hoa hậu Thu Hoài, Á hậu, MC Hoàng Oanh cũng thẳng thắn nói lên ý kiến: “Một người có hình xăm chỉ nói lên một điều là người đó thích xăm hình mình tâm đắc với một ý nghĩa nào đó thôi. Cũng giống như sở thích ăn bánh, uống trà hay nhấp cà phê mỗi ngày vậy đó. Mỗi người yêu cơ thể mình theo một cách khác nhau, đừng công kích sở thích cá nhân”.

Trước đó, một thí sinh tham gia chương trình Rap Việt mùa đầu tiên đã gây tranh cãi khi sở hữu nhiều hình xăm. Khi đó, MC Trấn Thành đã bày tỏ: “Người ta hay có định kiến về vẻ bề ngoài. Đâu ai rảnh đi cầm bình mực in đầy lên cơ thể của mình đâu. Mỗi hình ảnh đều liên quan đến một câu chuyện trong đời người ta. Xăm đau không? Đau. Đau để nhớ. Người ta để ký ức tồn tại trên da thịt, để nhìn lại rằng, tôi từng trải qua những cột mốc trong cuộc đời như thế. Nên chúng ta đừng vội đánh giá một cái gì cả. Hãy cảm nhận người ta từ bên trong. Đó mới là linh hồn thật sự của con người”.

Bản chất hình xăm không xấu

Có lẽ, đôi khi, nhiều người lựa chọn xăm mình không chỉ đơn giản vì đẹp hay cảm giác thích thú. Đối với nhiều người, đằng sau mũi kim đau đớn là những câu chuyện không ai biết đến.

Chia sẻ về những định kiến với hình xăm, PGS.TS Nguyễn Phương Mai - giảng viên ngành Giao thoa văn hoá tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam – Amsterdam University of Applied Sciences (Hà Lan), cho biết, những thế kỷ gần đây, văn hoá Việt Nam vốn có cái nhìn không thiện cảm với hình xăm.

Song, theo chuyên gia này, thực tế, bản thân hình xăm không có gì xấu. Hình xăm có ý nghĩa tốt đẹp hay ti tiện là do hoàn cảnh xã hội cụ thể và cái nhìn định kiến của chính chúng ta.

“Chúng ta đang trong một giai đoạn chuyển tiếp văn hoá. Đó là khi những thói quen cũ - mới có cơ hội va chạm, những tầng ý nghĩa cũ - mới có cơ hội đối mặt, những định kiến và tư tưởng cũ - mới có cơ hội trao đổi và những con người của thế hệ cũ - mới có cơ hội lắng nghe nhau.

Mỗi hình xăm, biết đâu, đằng sau nó là bao chắt chiu gửi gắm của những khúc quanh buồn vui trong đời. Cũng như tất cả những biểu tượng văn hoá từ xa xưa, mọi sự mặc định tốt xấu đều có thể dần dần thay đổi khi ta ngày càng chứng kiến nhiều hơn điều đi ngược lại những gì mình từng suy nghĩ”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít người thường thể hiện kỳ thị khi phụ nữ xăm mình. Theo chuyên gia này, với đàn ông, “xăm” có thể không liên quan đến “đẹp”. Tuy nhiên, với phụ nữ, định kiến sẽ khác một chút. Đó là bởi định kiến coi giá trị của phụ nữ quy tụ lại chủ yếu ở vẻ ngoài da thịt.

Người xưa từng có câu: “Trai tài, gái sắc”. Do đó, theo PGS Phương Mai, khi phụ nữ xăm mình, khác với đàn ông, hình xăm ấy lập tức bị gắn liền với “nhan sắc”. Hình xăm trở thành một phương thức để cô gái đó đẹp lên hay xấu đi, tương tự một bộ quần áo.

“Định kiến nhìn “giá trị phụ nữ quy tụ ở vẻ ngoài” coi nhẹ khả năng họ là một chủ thể chủ động. Chủ thế đó có nhiều tầng giá trị sống hơn là chỉ để đẹp. Họ có thể xăm vì thích, vì có ý nghĩa, vì muốn kết nối với các giá trị cá nhân và cộng đồng, hoặc vì một cái sự đẹp cho riêng bản thân chứ không nhất thiết là để kẻ khác chiêm ngưỡng hay đánh giá. Xăm mình là một lựa chọn cá nhân. Định kiến về hình xăm khiến cả đàn ông và đàn bà đều trở thành nạn nhân”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ