Xác định nguyên nhân, kiến nghị xử nghiêm vụ hơn 140 người ngộ độc tại Hội An

GD&TĐ - Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng (Quảng Nam), khi nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn.

Thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì gồm pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau răm, rau húng...
Thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì gồm pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau răm, rau húng...

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng (TP Hội An, Quảng Nam), khi nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn.

Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh

Sáng 14/9, thông tin với Báo GD&TĐ, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến tối 13/9, ghi nhận 91 người nghi ngộ độc do ăn bánh mì Phượng tại TP Hội An, trong đó có 34 du khách nước ngoài. Hiện, 32 người đã xuất viện. Đa số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện đã ổn định sức khỏe.

Đến 16 giờ ngày 14/9, thông tin phóng viên nhận được cho thấy con số nạn nhân đã lên đến 141 người.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay, trong ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng bán ra gần 2.000 ổ bánh mì. Trong ngày 12/9, cơ sở này bán ra 1.700 ổ bánh mì. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có tủ kính bảo quản sản phẩm.

Tuy nhiên, khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến với khu vực khác… Ngoài ra, tiệm không lưu bánh mì mẫu, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong một ngày. Cơ sở không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì gồm pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo…

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Cụ thể, đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm Phượng ở TP Hội An.

Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng. Đề nghị ngành Y tế tỉnh này tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở.

Truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định. Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.

Người bệnh có triệu chứng tương tự nhau

TS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết, đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu lưu của cơ sở và mẫu có liên quan tại cửa hàng bánh mì Phượng để niêm phong, gửi vào Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm. Khi có kết quả xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc trên, ngành Y tế sẽ kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 11/9, một người có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn bánh mì của cửa hàng này. Sau đó, thêm nhiều người có triệu chứng tương tự. Khoảng cách từ lúc ăn đến khi xuất hiện triệu chứng ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất 16 giờ.

Đến tối 12/9, ghi nhận có 31 người bị ngộ độc, đầu giờ chiều 13/9 con số tăng lên 50 (có 23 người nước ngoài). Đến chiều 13/9 là 91 người (34 người nước ngoài). Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện với các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài...

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) tiếp nhận điều trị 14 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đến từ TP Hội An. Cụ thể, 10 bệnh nhân người Việt và 4 bệnh nhân người nước ngoài nhập viện cấp cứu với cùng biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Tất cả bệnh nhân đều có điểm chung là ăn bánh mì tại TP Hội An trong cùng một thời điểm.

Bệnh nhân N.T. (trú TP Hội An) hiện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết: “Em và bạn cùng ăn bánh mì tại Hội An trong khoảng từ 2 giờ ngày 11/9. Đến khoảng 8 giờ tối cùng ngày, tụi em đều cảm thấy đau bụng và sau đó đi vệ sinh rất nhiều lần. Gia đình đã đưa bọn em đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cấp cứu. Hiện tại, em đã đỡ đau bụng, sức khỏe đã khá hơn nhưng bạn em vẫn còn mệt nhiều”.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Từ Thị Ngọc Mai - Khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết, các bệnh nhân nhập viện cấp cứu rải rác trong ngày 12/9. Khai thác tiền sử và các dấu hiệu ban đầu cho thấy bệnh nhân ngộ độc cùng một loại thực phẩm. Hiện, một số bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Một số khác vẫn còn dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao.

Theo BSCKI Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm xảy ra khi một người bị nhiễm phải độc tố do ăn thức ăn hay đồ uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Điều này cũng có thể là do các món ăn này bị ôi thiu, biến chất. Hoặc, chất bảo quản/chất phụ gia có trong thức ăn bị vượt mức cho phép.

Trường hợp triệu chứng ngộ độc thực phẩm chỉ ở mức nhẹ thì sau vài ngày, tình trạng này có thể thuyên giảm. Nếu nặng hơn, ngộ độc thực phẩm sẽ tác động đến thể chất, tinh thần của bệnh nhân. Thậm chí, có thể gây tử vong nếu không được cứu chữa và xử trí kịp thời.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở hệ tiêu hóa, mà còn ảnh hưởng cả ở những cơ quan khác với các biểu hiện như chóng mặt, đau đầu, trụy mạch, tim đập bất thường... Trong trường hợp ngộ độc do vi sinh vật gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm mốc) có trong thức ăn, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu như khô môi, khát nước, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đổ nhiều mồ hôi, sốt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.