Trong đó nhấn mạnh yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo người lao động (NGNLĐ) trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật của nhà nước, các quy định của ngành và các chuẩn mực hành vi ứng xử trong môi trường giáo dục. Trước mắt, trong tháng 4/2019, các công đoàn cơ sở tổ chức quán triệt lại đối với NGNLĐ các quy định của Nhà nước, của Ngành về đạo đức nhà giáo, về xây dựng trường học thân thiện, an toàn.
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản mới quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo trong sinh hoạt chuyên môn của Hội đồng sư phạm, sinh hoạt công đoàn hàng tháng và đầu năm học. Phối hợp với chuyên môn trong việc triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học, thực hiện "Đề án văn hóa ứng xử trong trường học".
Trong kế hoạch này, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giáo dục Hà Giang cũng yêu cầu hỗ trợ NGNLĐ có kỹ năng ứng xử sư phạm, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp.
Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở các bậc học. Mời chuyên gia tư vấn nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của NGNLĐ trong lao động nghề nghiệp (nếu có).
Xây dựng mô hình điểm: "Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc". Trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo là tiêu chí chính. Trên cơ sở đó nhân rộng ra các trường khác.
Phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo dễ lan tỏa toàn ngành, tác động tích cực tới cộng đồng xã hội.
Xác định chủ đề từng năm học gắn với việc nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo để động viên, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường, NGNLĐ cùng thực hiện…