Xa vời giấc mơ World Cup vì các cầu thủ nổi tiếng thất bại khi xuất ngoại

GD&TĐ - Văn Toàn chính thức chia tay Seoul E-Land và trở về V-League cho thấy xuất ngoại vẫn chỉ là giấc mơ với cầu thủ Việt Nam.

Văn Toàn (áo xann) khi còn khoác áo Seoul E-Land. Ảnh: INT
Văn Toàn (áo xann) khi còn khoác áo Seoul E-Land. Ảnh: INT

Những thống kê gây thất vọng

Ngày 15/9, đội bóng hạng Nhì Seoul E-Land (Hàn Quốc) xác nhận kết thúc hợp đồng trước thời hạn với Văn Toàn. Thông tin này không bất ngờ, song nó gần như trở thành một dấu mốc không vui cho bóng đá Việt Nam trong nỗ lực khẳng định vị thế ở môi trường nước ngoài.

Nói “gần như” bởi chúng ta còn có Công Phượng (câu lạc bộ Yokohama, Nhật Bản). Nhưng vai trò của anh ở đội bóng này cũng gần như con số 0. Thế nên, Công Phượng chia tay Yokohama, hoặc ngược lại sẽ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên trong thời gian tới.

Trước đó, Văn Toàn ký hợp đồng có thời hạn 2 năm với Seoul E-Land, và đây được cho là lựa chọn khôn ngoan của tiền đạo trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai.

Anh chấp nhận thử sức ở giải hạng Hai Hàn Quốc, giải đấu ban đầu được nhìn nhận không quá chênh lệch so với V-League và tự tin sẽ thành công nhờ kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao nhiều năm. Ngoài ra, từ khi xuất hiện ở V-League 2015 đến hết mùa giải 2022, Văn Toàn (sinh năm 1996) đã chơi 177 trận cho Hoàng Anh Gia Lai, ghi 46 bàn. Trong hai mùa giải 2021 và 2022, anh ghi 14 bàn (mỗi mùa 7 bàn). AFF Cup 2022 là giải vô địch Đông Nam Á thứ tư liên tiếp mà Văn Toàn khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Ngoài ra, Văn Toàn có sự hậu thuẫn của DJ Management & Inspired Asian Management, công ty đại diện thể thao và trong số khách hàng của họ có cả huấn luyện viên Park Hang Seo. Đặc biệt, ở Seoul E-Land, Văn Toàn được làm việc với huấn luyện viên Park Choong kyun, người từng giữ chức huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội và còn là trợ lý cho ông Park.

Đường băng quá thuận lợi và chắc chắn đã mang đến sự tự tin cho Văn Toàn. Anh từng cho biết, mình không lo lắng về việc làm quen với nhịp độ thi đấu ở giải hạng Nhì Hàn Quốc, và tin rằng nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam cũng có thể thi đấu tốt ở đây.

Trong giai đoạn đầu, Văn Toàn được Seoul E-Land tin dùng với kỳ vọng mang đến sức sống mới cho hàng công đội bóng này. Nhưng anh không đáp ứng được sự kỳ vọng, để rồi mất dần vị trí và xấu hơn, không được đăng ký thi đấu trong 3 tháng gần đây.

Thậm chí, vào thời điểm Seoul E-Land trải qua giai đoạn khó khăn 7 trận liên tiếp không thắng và hàng công chỉ ghi vỏn vẹn 6 bàn thì Văn Toàn vẫn nằm ngoài sự lựa chọn của đội bóng này. Khép lại cuộc “phiêu lưu” với Seoul E-Land, Văn Toàn ra sân 9 trận, trong đó 4 lần đá chính và không ghi bàn nào. Anh trở về Việt Nam, dự kiến sẽ khoác áo đội Nam Định.

Đầu năm 2023, có 6 cầu thủ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài, là giai đoạn bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ xuất ngoại nhất trong lịch sử. Ngoài Văn Toàn và Công Phượng, còn có hậu vệ Nguyễn Cảnh Anh (sinh năm 2000) và tiền đạo Vũ Minh Hiếu (sinh năm 2002) ký hợp đồng với Cheon An City (hạng Hai Hàn Quốc). Quang Hải thuộc biên chế Pau FC, và Huỳnh Như gây ấn tượng mạnh ở câu lạc bộ nữ Lank FC (Bồ Đào Nha). Điều đó thắp lên hy vọng về sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho nỗ lực xuất ngoại của bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng, Quang Hải tiếp tục nối dài những ngày tháng rất khó khăn ở đội bóng nước Pháp, vốn kéo dài từ năm 2022. Vậy nên, tháng 6/2023 cầu thủ ngôi sao sinh năm 1997 này quyết định trở lại V-League, khoác áo câu lạc bộ Công an Hà Nội.

Cảnh Anh và Minh Hiếu dù thể hình tốt, chơi được nhiều vị trí nhưng cũng không thể giành được chỗ đứng ở Cheon An City. Với tuổi nghề quá trẻ, nên chuyến đi đến Hàn Quốc của 2 cầu thủ từ lò Hoàng Anh Gia Lai chỉ mang tính chất học việc.

Huỳnh Như là ngoại lệ khi cô khẳng định được năng lực tại Lank FC và mới đây, tiền đạo đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam đã gia hạn hợp đồng với đội bóng Bồ Đào Nha.

Cũng như Văn Toàn, Công Phượng đến Nhật Bản đầu năm 2023 được kỳ vọng sẽ thành công. Bởi anh không còn trẻ (sinh năm 1995), đã 3 lần ra nước ngoài thi đấu.

Trước khi đến Yokohama, Công Phượng từng đầu quân cho Mito Hollyhock, đá 80 phút ở giải hạng Hai Nhật Bản, năm 2019 chuyển sang khoác áo Incheon United ở K-League, đá 352 phút, không ghi bàn nào rồi khoác áo Sint Truiden (Bỉ) và cũng chỉ có 20 phút ra sân. Mặc dù vậy, 8 tháng trôi qua kể từ khi chuyển đến Yokohama, Công Phượng thi đấu vỏn vẹn đúng... 1 phút, vào sân thay người trong trận thua 2-3 của Yokohama trước Nagoya Grampus. Cầu thủ một thời là “báu vật” của bầu Đức, tài năng của bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?

Văn Hậu (bên trái) và Quang Hải trong màu áo Công an Hà Nội vô địch V-League 2023. Ảnh: INT

Văn Hậu (bên trái) và Quang Hải trong màu áo Công an Hà Nội vô địch V-League 2023. Ảnh: INT

Đi mãi… không thành đường

“Cứ đi rồi sẽ thành đường”. Nhưng 22 năm qua cầu thủ Việt vẫn luôn đau đáu với giấc mơ “xuất ngoại” bởi chưa gương mặt nào thực sự tạo dựng thành công, đúng hơn là xây dựng thương hiệu bóng đá Việt Nam ở nước ngoài.

Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam tiên phong ra nước ngoài thi đấu, ký hợp đồng với câu lạc bộ Chongqing Lifan (Trung Quốc) năm 2001. Anh chơi 4 trận ở giải vô địch Trung Quốc, ghi một bàn và năm 2002 trở về Việt Nam khoác áo Ngân hàng Đông Á trước khi giải nghệ. Mặc dù vậy, hợp đồng giữa Chongqing Lifan với Lê Huỳnh Đức khi đó mang màu sắc thương mại.

Công Vinh được coi là người để lại nhiều dấu ấn nhất. Năm 2009, tiền đạo xứ Nghệ được Hà Nội T&T cho Leixoes mượn ba tháng, thi đấu ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Ngày 4/10/2009, Vinh đá trọn 90 phút trong trận gặp Uniao de Leiria và trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi ở giải hạng cao nhất tại châu Âu. Anh ghi 1 bàn trong 3 trận trên mọi đấu trường cho Leixoes. Nhưng chừng đó không đủ giúp chân sút sinh năm 1985 trụ lại Bồ Đào Nha.

Trở về Việt Nam một thời gian, năm 2013, Công Vinh sang Nhật Bản, thi đấu cho Consadole Sapporo ở giải hạng Hai. Anh đá 9 trận, ghi 2 bàn ở giải hạng Hai và Cup Hoàng đế Nhật Bản. Công Vinh sau đó trở lại SLNA, rồi giải nghệ ở Bình Dương.

Làn sóng cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trỗi dậy từ năm 2015 với các cầu thủ khóa 1 của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai. Ngày 11/12/2015, bầu Đức ký thỏa thuận cho Tuấn Anh thi đấu cho Yokohama FC ở giải hạng Hai Nhật Bản trong một mùa giải. Tiền vệ gốc Thái Bình không được chơi trận nào ở giải hạng Hai, nhưng ghi một bàn trong 2 trận tại Cup Hoàng đế. Sau mùa 2016, anh trở về Hoàng Anh Gia Lai.

Sau Tuấn Anh, Công Phượng ký hợp đồng với Mito Hollyhock ở giải hạng Hai Nhật Bản ngày 23/12/2015. Và đến giờ, ở lần xuất ngoại thứ 4, Công Phượng vào độ tuổi xấp xỉ “tam thập nhi lập” vẫn đang tìm bến đỗ và điểm đến khả dĩ nhất với anh là trở lại V-League.

Tiền vệ Lương Xuân Trường, cũng của Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng hai năm với Incheon United ngày 28/12/2015. Anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại K-League (hạng cao nhất bóng đá Hàn Quốc), trong trận gặp Gwangju FC ngày 23/5/2016. Cầu thủ này được chơi thêm 3 trận nữa cho Incheon ở K-League, rồi chuyển sang Gangwon năm 2017. Tại đó, tiền vệ gốc Tuyên Quang chơi 2 trận, không ghi bàn nào và trở về nước.

Năm 2019, Xuân Trường đầu quân Buriram United (Thái Lan) theo hợp đồng mượn một năm. Anh ghi 1 bàn trong 6 trận ở Thai League, đồng thời đá 3 trận tại AFC Champions League. Nhưng tiền vệ người Tuyên Quang cũng chỉ trụ được nửa mùa ở Thái Lan rồi về nước.

Sau Công Vinh, Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam thứ hai để lại dấu ấn khá rõ khi xuất ngoại. Chuyển sang Muangthong United (Thái Lan) tháng 1/2019, với giá 500 nghìn USD, Văn Lâm chơi trọn 30 trận ở Thai League. Thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam tiếp tục chiếm vị trí chính thức mùa 2020, nhưng vào giai đoạn cuối mùa anh bất ngờ bị đẩy xuống ghế dự bị để rồi cay đắng ra đi sau lùm xùm khiếu kiện không thành.

Văn Lâm đầu quân Cerezo Osaka (Nhật Bản), song anh không thể có được chỗ đứng ở đội bóng Nhật Bản. Cuối cùng, thủ môn được đào tạo ở Nga quay lại V-League thi đấu cho đến nay.

Vào thời điểm năm 2019, hậu vệ Đoàn Văn Hậu được Heerenveen (Hà Lan) mượn một năm, với phí được cho là 1,4 triệu USD, cùng lương tháng 22 nghìn USD. Anh chỉ chơi 1 trận chính thức cho Heerenveen tại Cup Hà Lan, khi vào sân ở những phút cuối trận gặp Roda JC ngày 17/12/2019.

Văn Hậu trở lại Hà Nội ở nửa sau mùa 2020 và khoác áo Công an Hà Nội từ cuối năm 2022. Văn Hậu còn trẻ, anh sinh năm 1999 nhưng cầu thủ này có lẽ không nghĩ đến khả năng ra nước ngoài thi đấu. Trải nghiệm của bản thân có thể mang đến tâm lý lo ngại cho Văn Hậu nếu thêm một lần xuất ngoại.

Trong chặng đường hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam còn nhiều cầu thủ xuất ngoại, như Lương Trung Tuấn (Thai Port, Thái Lan), Nguyễn Hữu Anh Tài (Uijeongbu, hạng Ba Hàn Quốc), Nguyễn Hữu Khôi (Siheung City, hạng Ba Hàn Quốc), Nguyễn Xuân Nam (Vientiane, Lào), Diệp Hoài Xuân (Phnom Penh Crown, Nagaworld, Campuchia) hay Michal Nguyễn (Selangor, Malaysia)… Song ngay cả ở tầm thấp, đòi hỏi chuyên môn không quá cao thì những gì nhóm cầu thủ này đạt được cũng rất hạn chế, đồng thời trở về nước đều là quyết định mang mẫu số chung của họ sau khi xuất ngoại.

Hai năm gần đây, Quang Hải, Văn Toàn và Công Phượng đều là những ngôi sao, những cầu thủ thành danh ở V-League, đồng thời đang nắm giữ những vị trí trọng yếu trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam với tham vọng giành vé tham dự World Cup 2026.

Nhưng cả 3 đều thất bại ở giải hạng Nhì nước Pháp, hạng Nhì Hàn Quốc và hạng Nhất Nhật Bản. Điều đó cho thấy chuyên môn luôn đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu. Chúng ta phải xác định rõ điều đó để điều chỉnh chiến lược đào tạo, và thừa nhận với nhau rằng, V-League còn ở “level” thấp hơn rất nhiều so với nhiều nền bóng đá châu lục, chứ chưa thể so với châu Âu.

Huấn luyện viên Lee Young Jin, khi còn là trợ lý cho ông Park nêu quan điểm, xuất ngoại chơi bóng là vấn đề quan trọng cho tương lai bóng đá Việt Nam và thế hệ các cầu thủ trẻ. Nhưng bao giờ cầu thủ Việt Nam mới xuất ngoại thành công? Câu hỏi trăn trở dành cho bóng đá Việt Nam kéo dài hơn 2 thập kỷ chưa được giải đáp.

Chúng ta đang mơ đến World Cup nhưng thực tại, khi các ngôi sao hàng đầu lần lượt xuất ngoại thất bại, nhiều thứ vẫn chỉ là giấc mơ xa vời!

Supachok Sarachat là một trong những tiền vệ tấn công hay nhất Thái Lan hiện tại. Cầu thủ này đã gia nhập câu lạc bộ Consadole Sapporo và thi đấu tại J-League (hạng cao nhất bóng đá Nhật Bản) trong mùa giải 2023. Ở đội bóng mới, Supachok nhanh chóng thích nghi và khẳng định giá trị của bản thân, thi đấu cả 17 trận, ghi 6 bàn và 1 kiến tạo.

Đặc biệt, cầu thủ sinh năm 1998 đang trở thành biểu tượng thành công mới của Thái Lan tại đất nước mặt trời mọc. Trước Supachok, các đàn anh như Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan cũng để lại dấu ấn đậm nét ở J-League. Điều đó phần nào lý giải vì sao Thái Lan vô địch 2 kỳ AFF cup gần đây, và trong 5 năm thăng hoa với bóng đá Việt Nam, ông Park không thể thắng nổi đội tuyển Thái Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ