Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại

GD&TĐ -  Xã hội hóa biên soạn SGK nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Học sinh tham gia triển lãm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Học sinh tham gia triển lãm SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức.

4 đặc trưng cơ bản

“Lần đầu tiên, hàng chục năm nay nước ta mới có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học. Lần đầu tiên chúng tôi rất vui mừng và tự hào đã góp phần vào công cuộc đổi mới này”- Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái.

Tại Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhận định: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK. Đây là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa. Qua đó, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho hay, các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc đã bỏ chính sách độc quyền SGK từ rất lâu. Các quốc gia này đã thực hiện các chính sách một chương trình nhiều bộ SGK.

Theo ông Thỏa, chính sách này có 4 đặc trưng cơ bản: Thứ nhất, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân kể cả thành phần tư nhân nếu có đủ khả năng, điều kiện được phép tham gia biên soạn và phát hành SGK. Đây là phương pháp để thu hút các thành phần kinh tế đa dạng tham gia vào công tác sản xuất, biên soạn loại hàng hóa đặc biệt này.

Thứ 2, Nhà nước sẽ đưa ra khung cơ bản của chương trình quốc gia, các nhà biên soạn sẽ dựa vào đó để biên soạn các bộ sách, mỗi môn học sẽ có nhiều SGK của nhiều nhóm tác giả khác nhau.

Thứ 3, mỗi quốc gia có nhiều nhà xuất bản cạnh tranh với nhau, họ tự biên soạn, tự lựa chọn người tham gia biên soạn, chủ động kinh phí và làm chủ các công đoạn sản xuất.

Thứ 4, giá SGK sẽ do các nhà xuất bản quy định theo cơ chế thị trường và Nhà nước sẽ có trách nhiệm thẩm định giá và có những hỗ trợ nhất định để từ đó có sự kiểm soát và định giá để cho những học sinh nghèo cũng có thể sử dụng sách.

Xã hội hóa việc biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá.

Xã hội hóa việc biên soạn SGK là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá.

Huy động trí tuệ của tập thể

Khẳng định Nghị quyết số 88/2014/QH13 là chủ trương đúng, kịp thời; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – nhấn mạnh, chủ trương này phù hợp với xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện các nhà xuất bản, ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng.

Đến thời điểm này kết quả của chủ trương xã hội hóa đó đạt được trên 4 nội dung:

Một là, xóa bỏ độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành SGK từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, sau 1 thời gian ngắn chúng ta có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn, phát hành SGK;

Hai là, huy động lực lượng các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn, thẩm định SGK. Qua đó, tạo nên lực lượng trí thức không chỉ phục vụ nhiệm vụ trước mắt mà còn là lâu dài, với khoảng 1.500 các nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao;

Ba là, giúp cho học sinh, giáo viên có cơ hội lựa chọn các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức;

Bốn là, giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này.

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) – nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã tạo cơ hội và động lực phong phú; đặc biệt là huy động được đóng góp của toàn xã hội và trí tuệ của tập thể.

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái thông tin, hơn 1500 giáo sư, tiến sĩ và các giáo viên có trình độ và có rất nhiều kinh nghiệm làm sách. Huy động được lực lượng đó không phải là dễ dàng. Trước đây, không thể huy động được, không có cách để huy động, chỉ có thể đặt hàng cho một số thầy cô giáo, một số giáo sư ở một trường nào đó được tin tưởng.

“Do vậy, động lực phong phú của chủ trương xã hội hóa SGK đã tạo nên sự thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng kết quả khi biên soạn SGK” - Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái bày tỏ.

TS Vũ Thu Hương - chuyên gia Giáo dục độc lập: Chúng ta càng có nhiều bộ SGK thì học sinh càng có nhiều cách tiếp cận kiến thức phù hợp, càng có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, nhiều bộ SGK cho một chương trình là điều tuyệt vời cần thực hiện vì chính các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ