Workshop mỹ thuật: Khó vẫn… chơi sang

GD&TĐ - 140 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đang tham gia triển lãm và workshop quốc tế “Hà Nội kết nối nghệ thuật - Hanoi Art Connecting” lần thứ 4, từ ngày 14 – 19/10 tại Hà Nội đầy hứng khởi và thú vị...

Một số tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham gia triển lãm và workshop quốc tế “Hanoi Art Connecting”. Ảnh: TG
Một số tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham gia triển lãm và workshop quốc tế “Hanoi Art Connecting”. Ảnh: TG

Cơ hội chiêm ngưỡng… cả thế giới

Nghệ sĩ Sayed Fida đến từ Bangladesh đã hào hứng ví von, đến với “Hà Nội kết nối nghệ thuật - Hanoi Art Connecting” là mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng cả thế giới. Vì sao ư? Vì thế giới được thể hiện lung linh sắc màu qua các tác phẩm phong phú đa dạng mà các nghệ sĩ thế giới mang đến triển lãm.

Quả vậy, 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Ý, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nepal… là 60 phong cách sáng tạo độc đáo, đem đến “Hanoi Art Connecting” những câu chuyện rất riêng về con người, quê hương, đất nước của mình.

Cùng với đó, 80 nghệ sĩ Việt Nam, với sự có mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội như Ca Lê Thắng, Lê Huy Tiếp, Phan Cẩm Thượng, Võ Tá Hùng, Nguyễn Kim Xuân… hay những nghệ sĩ là giảng viên của các trường đại học và đào tạo nghệ thuật của cả nước… cũng góp thêm những tác phẩm nghệ thuật giàu bản sắc Việt. Điều thú vị là, những bản sắc riêng ấy, những cá tính sáng tạo ấy không tách biệt mà tất cả cùng kết nối, hội ngộ, hòa làm một và tạo nên một bức tranh nghệ thuật đặc sắc tại các triển lãm được tổ chức ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như trong các workshop chuyên sâu ở các chuyên ngành: Đồ họa, điêu khắc, hội họa…

Sống ở Việt Nam 14 năm, họa sĩ John Schevers (đến từ Canada) bảo rằng trái tim ông đã thuộc về Việt Nam. Và, đây là lần thứ hai John Schevers tham dự sự kiện nghệ thuật quốc tế này. Với ông, “Hanoi Art Connecting” đã bắc nhịp cầu đến với tranh sơn mài Việt Nam và giờ đây người họa sĩ này không chỉ giỏi vẽ tranh trìu tượng mà còn biết thêm cả kỹ thuật làm tranh sơn mài rất độc đáo của Việt Nam.

Chính vì vậy, PGS.TS.KTS Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, “Hanoi Art Connecting” là một không gian nghệ thuật mới mẻ, nơi để các nghệ sĩ được thể hiện nhiệt huyết sáng tạo. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã thể hiện tài năng sáng tạo của các tác giả.

Còn PGS. Surasit Sansuria - Trưởng khoa Kiến trúc và Thiết kế, Trường Đại học King Mongkut Thái Lan cũng đánh giá cao “Hanoi Art Connecting” – một sân chơi kết nối các họa sĩ của Việt Nam với các họa sĩ trên thế giới. “Từ sân chơi này, các nghệ sĩ được cùng nhau trao đổi nghệ thuật, cũng như công việc sáng tác mỹ thuật nói chung và mỹ thuật ứng dụng nói riêng (qua 7 buổi work shop, 2 buổi thực tế); đồng thời là cơ hội để các họa sĩ, các bạn sinh viên được tham dự hoạt động của triển lãm (3 cuộc triển lãm)”, PGS. Surasit Sansuria nhấn mạnh.

Khó vẫn… chơi sang

Theo họa sĩ Trần Mạnh Linh – thành viên ban tổ chức, qua mỗi năm, “Hanoi Art Connecting” được mở rộng về quy mô. Nếu như năm đầu tiên (2016), sự kiện kết nối được 10 nghệ sĩ quốc tế đến từ 5 quốc gia thì đến năm 2017 sự kiện đã kết nối được 20 nghệ sĩ đến từ 8 quốc gia; năm 2018 kết nối 58 nghệ sĩ quốc tế đến từ 20 quốc gia và năm nay là 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia. “Cùng với việc mở rộng về quy mô, công tác hậu cần cho “Hanoi Art Connecting” ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Chính vì thế, chất lượng của các sáng tác được nâng cao và số lượng các tác phẩm nghệ thuật được giao dịch từ trước – trong – sau sự kiện ngày càng tăng”, họa sĩ Trần Mạnh Linh vui mừng thông tin.

Trong khi đó, theo họa sĩ Trịnh Tuân, người sáng lập nhóm Asia Art Link (AAL) – đơn vị đồng hành tích cực cùng “Hanoi Art Connecting”thì đây là cuộc chơi khó nhưng luôn… sang. Khởi đầu của “Hanoi Art Connecting” là từ lời đề nghị của họa sĩ Hoàng Khắc Biên - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp về việc tổ chức một triển lãm tranh tượng để sinh viên của trường được giao lưu với một số giảng viên và sinh viên các nước Đông Nam Á vào năm 2006. Từ đó đến nay, “Hanoi Art Connecting” đã đi được 4 mùa.

Đặc biệt khi mùa năm nay “Hanoi Art Connecting” phải bảo đảm mọi mặt cho khoảng 200 người cùng hoạt động sáng tạo nghệ thuật là điều không dễ. Thế nhưng, “Hanoi Art Connecting” đã thực hiện đầy ấn tượng, chu đáo với hệ thống khách sạn cho nghệ sĩ nghỉ ngơi suốt 5 ngày, với phòng work shop hiệu quả, không gian triển lãm lý tưởng… “Khác với 3 mùa trước, “Hanoi Art Connecting” mùa thứ 4 mạnh về sự kết nối giữa các trường nghệ thuật trong nước, giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Và, sau mỗi mùa, tôi thấy hai tiếng “Việt Nam” ngày càng có sức hấp dẫn đặc biệt với các bạn quốc tế bởi sự đón tiếp, bởi văn hóa và lối sống bản địa”, họa sĩ Trịnh Tuân chia sẻ.

Trao đổi thêm về câu chuyện này, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, hiện nay việc tổ chức workshop ở Việt Nam còn thiếu và yếu, trong khi ở các nước bạn, hoạt động này luôn được đón chào. Cũng vì, nước bạn luôn quan niệm mỗi hoạt động

workshop sẽ mang lại cho đất nước họ những sưu tập nghệ thuật từ đó tạo ra đời sống văn hóa cũng như sự trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các nước.“Từ “Hanoi Art Connecting” chúng tôi mong rằng sẽ nhân lên nhiều hơn nữa các sự kiện nghệ thuật quốc tế tương tự. Nhưng để làm được việc này thì nhà nước phải có chính sách cũng như có cái nhìn rộng mở hơn với hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung, hoạt động sáng tạo mỹ thuật nói riêng”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đề nghị.

“Hanoi Art Connecting lần thứ 4 được tổ chức là sự kiện ý nghĩa hướng đến Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1949-2019). Đây là sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên - nơi các nghệ sĩ cùng chung sức sáng tạo hướng đến hòa bình, hữu nghị hợp tác. Sự trưởng thành và phát triển của sự kiện Hanoi Art Connecting 2019 đã khẳng định sự gắn kết giữa các nghệ sĩ, các quốc gia bằng ngôn ngữ chung là nghệ thuật thị giác”.
                      PGS.TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách
                     Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ