Thành công từ giữ bản sắc
Theo PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc nhận thức đúng về hội nhập, những cơ hội và thách thức sẽ giúp Mỹ thuật Việt Nam phát triển.
Từ năm 1986 đến nay, giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế đã đem đến diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam.
“Bằng các loại hình nghệ thuật: Sắp đặt, trình diễn, video… nhưng khi phản ánh về những vấn đề nảy sinh trong xã hội đương đại Việt Nam như sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp bởi các dự án sân golf, tệ chạy chức chạy quyền, câu hỏi về bình đẳng, suy ngẫm về những rào cản đối với phụ nữ hay bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa… thì mỹ thuật Việt Nam vừa chia sẻ cái chung với nghệ thuật thế giới, nhưng vẫn có bản sắc riêng độc đáo”, PGS. TS Bùi Thị Thanh Mai đánh giá.
“Chúng ta không nên quy bản sắc cứ phải theo chủ đề đất nước con người Việt Nam, chất liệu thể hiện hay phong cách. Điều đáng bàn ở đây trong sáng tác mỹ thuật thời kỳ mở cửa và hội nhập với công nghệ hiện đại cần phải định hướng tư tưởng sáng tác cho các lớp nghệ sĩ”. (Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng ĐH Mỹ thuật TPHCM PGS. TS Cung Dương Hằng).
“Giao lưu hội nhập không để mất cội nguồn dân tộc. Nếu để bản sắc dân tộc mai một sẽ bị làn sóng toàn cầu hóa cuốn đi văn hóa của mình”. (Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến).
Từ thực tiễn, Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn - Đại học Mỹ thuật Việt Nam quan sát thấy hai xu hướng: Xu hướng phổ biến khi đề cập đến vấn đề “bản sắc” là hình tượng hóa các biểu tượng mang tính bản sắc văn hóa địa phương hay các biểu tượng được cho là phổ quát về văn hóa dân tộc.
Nghệ sĩ thể hiện ý tưởng ấy trên các chất liệu truyền thống của hội họa, đồ họa hay điêu khắc và coi đó là mục đích cuối cùng của quá trình sáng tác.
Nhóm nghệ sĩ khác cố gắng theo đuổi các thực hành nghệ thuật đương đại qua các dự án nghệ thuật, nhấn mạnh vào quá trình thực hiện với phương pháp tiếp cận đa dạng theo xu hướng liên ngành.
Các vấn đề được đề cập thường chất vấn các yếu tố như: Lịch sử, văn hóa, truyền thống, bản sắc, thân phận, quyền lực, môi trường… Đó thường là những dự án nghiên cứu văn hóa, chất vấn về bản sắc dưới các hình thức của nghệ thuật thị giác được triển lãm ở những không gian chuyên biệt, lôi kéo người xem cùng tư duy, tương tác, chiêm nghiệm.
Các tên tuổi nghệ sĩ Việt Nam hoặc gốc Việt thành danh theo xu hướng này như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatsushiba, Danh Võ, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Lê Brother, Tiffany Chung, The Propeller group…
Vì vậy, theo Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn, thành công vì nghệ thuật của họ luôn đậm đặc hoặc phảng phất bóng dáng câu chuyện “bản sắc”, “bản địa”. Và khi càng hội nhập trong những thiết chế nghệ thuật quốc tế, câu chuyện “bản sắc” trong các thực hành của nghệ sĩ lại càng trở nên quan trọng, tới mức sống còn.
Còn đó lối gia công truyền thống?
Từ quan niệm bản sắc mỹ thuật là chất “Việt” lẫn vào trong chứ không ở bề mặt, PGS. TS Nguyễn Văn Minh - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM gay gắt phê phán: Đồ giả hay lối sao chép mô típ, bắt chước cách dùng nét, dùng màu cổ rồi “nhồi” vào đó “nội dung” mới, tạo ra món hàng thẩm mỹ “giao duyên” có thể đáp ứng thẩm mỹ không cao của người xem.
Nguy cơ biến bản sắc thành đồ trang sức và du lịch, đánh vào hiếu kỳ và chuộng lạ. Đó là lối gia công truyền thống phục vụ tiêu dùng và hình thức, bóp chết dần truyền thống.
“Cùng học họa kiểu Tây nhưng Nguyễn Phan Chánh đã sống với tâm hồn xưa của ông đồ, cái mộc mạc lành mạnh của làng quê. Nguyễn Gia Trí rất yểu điệu, đài các hợp thời, mà có cái lộng lẫy và tinh tế rất cổ. Cả hai có “bản sắc dân tộc” rất rõ nét.
Ngày nay, có họa sĩ có đủ các điều kiện: Tài khéo, học vấn, lao động, kinh tế… mà vẫn không thành công bởi không sống đời sống bên trong của mình, dân mình, đất mình, trời mình vốn bao gồm cả truyền thống để hình thành bản sắc riêng”, PGS. TS Nguyễn Văn Minh nhắc về cách giữ và phát huy hồn Việt của các danh họa Việt Nam.
Nhìn rõ thực trạng môi trường nghệ thuật đương đại trong nước chưa có sự phát triển mạnh mẽ để hội nhập sâu hơn vào những sân chơi quốc tế, Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, còn một khoảng cách khá lớn giữa các họa sĩ thực hành theo nếp cũ với những thiết chế nghệ thuật quốc tế phổ biến.
Vì vậy, câu chuyện mang “bản sắc” đi đánh xứ người trước mắt vẫn chỉ là chuyện của những nỗ lực cá nhân, khi các điểm thắt về cơ chế vẫn còn chưa được tháo bỏ.
Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Trung - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Mỹ thuật - ĐH Mỹ thuật Việt Nam thẳng thắn chỉ ra cách giữ hồn Việt bằng những hình ảnh lễ hội, mô típ hoa sen, cờ phướn, chuỗi hạt, biểu tượng Phật giáo, nón lá áo dài, cây đa bến nước, trẻ em và thiếu nữ dân tộc với trang phục bản địa… chỉ là lớp vỏ hấp dẫn bề mặt, chừng mực nào đó gợi cảm giác về hình ảnh Việt Nam, bản sắc một xã hội quần cư nông nghiệp bình lặng, hương xa đối với du khách nước ngoài nhưng không thể lạm dụng hời hợt mãi và coi đó là duy nhất con đường tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, ông còn lo ngại do các trường mỹ thuật không đào tạo sâu sắc các kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn mà chủ yếu đào tạo các kỹ năng là chính khiến cho nhiều họa sĩ trẻ hiện nay sớm bị lặp lại mình, “phông” văn hóa cũng như môi trường không được tạo bề dày kinh nghiệm sáng tạo, thời gian thăng hoa ngắn, bị thui chột dần nên nghệ thuật ít tính lâu bền.