WHO: Việt Nam có hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.

TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh: VGP.
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh: VGP.

TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tại tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?”do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngành y tế ở Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và việc chúng ta sử dụng các biện pháp như đeo khẩu trang ở những không gian kín, rửa tay… cũng sẽ giúp chúng ta kiểm soát được dịch.

"Phải khẳng định là Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới" - TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.

TS. Socorro Escalante thông tin: "Các biện pháp chúng ta đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới, nhưng chúng ta cũng có những công cụ để phát hiện và kiểm soát. Đó chính là vắc xin. Việt Nam đã tiêm chủng được với tỉ lệ rất cao.

Vắc xin hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường."

Chia sẻ về độc lực của biến chủng BA.4 và BA.5, TS. Socorro Escalante cho hay, những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5.

Chuyên gia đánh giá về sự nguy hiểm của các biến chủng mới của vius SARS-CoV-2

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, như TS. Socorro đã thông báo cho chúng ta về biến chủng BA.4, BA.5, bản thân chúng tôi là bác sĩ đều phải đọc bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới. Với bản tin của WHO ngày 29/6, chúng ta cùng thấy biến chủng BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát.

Trong tuần qua, biến chủng BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Một đất nước ngay cạnh chúng ta là Singapore, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 45% các trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên quan đến biến chủng BA.4, BA.5.

Những biến thể này, như TS. Socorro đã trình bày, lây lan nhanh hơn và tỉ lệ tử vong hay tỉ lệ bệnh nặng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đến tỉ lệ tử vong, tỉ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền. Với sự gia tăng mắc mới này, sự gia tăng về số nằm viện cũng đang được thông báo.

Với những thông tin còn hạn chế, câu hỏi đặt ra là trẻ em có nhiễm biến chủng BA.4, BA.5 hay không? Tỉ lệ trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19.

Với các ca bệnh khó, bệnh nặng thì chủ yếu liên quan đến bệnh mãn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Đồng thời trẻ em là nhóm yếu thế bởi trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi.

Vừa rồi chúng ta mới bắt đầu có thuốc tiêm cho trẻ từ 5- 11 tuổi, còn nhóm dưới 5 tuổi chúng ta chưa có thuốc tiêm. Do vậy, nếu biến chúng BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, thông thường các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.