WHO cảnh báo vấn nạn rác thải y tế vì Covid-19, nhiều nước chưa đạt đỉnh số ca mắc Omicron

GD&TĐ - Hôm qua (1/2), người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove cho biết nhiều quốc gia chưa đạt đỉnh về số ca mắc biến thể Omicron và các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh nên được nới lỏng từ từ.

Nhiều nước chưa đạt đỉnh điểm về số ca mắc biến thể Omicron.
Nhiều nước chưa đạt đỉnh điểm về số ca mắc biến thể Omicron.

Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng đại dịch

Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan của ông lo ngại về một số thông tin đang tồn tại ở một số quốc gia rằng “do vắc xin và do khả năng lây nhiễm cao của Omicron nhưng không gây bệnh nặng, việc ngăn ngừa lây nhiễm không còn khả thi và cần thiết”.

Ông cho rằng nhiều người lây nhiễm đồng nghĩa với nhiều ca tử vong. “Chúng tôi không kêu gọi bất kỳ quốc gia nào phong tỏa trở lại, nhưng húng tôi kêu gọi mọi quốc gia bảo vệ người dân của mình bằng cách sử dụng mọi công cụ mình có, không chỉ là vắc xin” – Giám đốc WHO nói trong cuộc họp trực tuyến và cho biết “còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng”.

Người phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO Mike Ryan kêu gọi các nước vạch ra con đường thoát khỏi đại dịch và không mù quáng làm theo nước khác trong việc nới lỏng các hạn chế.

“Tôi nghĩ rằng đó là một giai đoạn chuyển tiếp đối với nhiều quốc gia, nhưng không phải mọi quốc gia đều ở trong hoàn cảnh giống nhau. Những nước đang đưa ra quyết định mở cửa rộng rãi hơn cũng cần đảm bảo năng lực để đưa ra các biện pháp cùng với sự chấp nhận của cộng đồng nếu cần. Vì vậy, nếu chúng ta mở cửa nhanh chóng, thì cũng nên có khả năng đóng cửa nhanh chóng”.

Đan Mạch và Áo tuần trước trở thành quốc gia mới nhất nới lỏng các hạn chế Covid-19 sau những động thái tương tự của Anh, Ireland và Hà Lan. Trong khi đó các nước châu Âu khác đã lên kế hoạch hạn chế mới để chống lại số ca mắc cao kỷ lục.

Trong một cuộc họp trực tuyến trước đó, Tiến sĩ Boris Pavlinh, thuộc Nhóm ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết đột biến BA.2 mới nổi của biến thể Omicron dường như không nghiêm trọng hơn Omicron ban đầu.

Rác thải y tế vì Covid-19

Báo cáo của WHO nói rằng phản ứng toàn cầu đối với đại dịch đã tạo ra hàng chục nghìn tấn chất thải y tế, bao gồm ống tiêm bị loại bỏ, bộ xét nghiệm đã qua sử dụng và các lọ vắc xin cũ, đe dọa sức khỏe con người và môi trường.

Theo báo cáo trên, vật liệu làm nên chúng có thể có virus corona và chúng tồn tại trên các bề mặt, tạo nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên thiêu hủy, chấn thương do kim đâm… Những cộng đồng gần các bãi chôn lấp được quản lý kém cũng có thể bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm do đốt chất thải, chất lượng kém hoặc dịch hại mang bệnh.

Báo cáo trên kêu gọi cải cách và đầu tư, bao gồm thông qua việc giảm sử dụng bao bì nhựa và đồ bảo hộ bằng vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế.

Người ta ước tính khoảng 87.000 tấn thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), tương đương với trọng lượng của vài trăm con cá voi xanh, đã được đặt hàng qua cổng thông tin của Liên hợp quốc tính tới tháng 11/2021 – hầu hết trong số đó được cho là chất thải.

Báo cáo cũng đề cập đến khoảng 140 triệu bộ dụng cụ thử nghiệm có khả năng tạo ra 2.600 tấn rác, chủ yếu là nhựa và đủ chất thải hóa học để lấp đầy 1/3 bể bơi Olympic.

Ngoài ra, khoảng 8 tỷ liều vắc xin được sử dụng trên toàn cầu đã tạo ra thêm 144.000 tấn chất thải dưới dạng lọ thủy tinh, ống tiêm, kim tiêm và hộp bảo vệ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ