Hãy để lũ trẻ khoe nhà vệ sinh ở trường

NVS mới sạch đẹp của Trường Mầm non Tân Thịnh – TP Thái Nguyên
NVS mới sạch đẹp của Trường Mầm non Tân Thịnh – TP Thái Nguyên

Những nhà vệ sinh khang trang

Trong vấn đề này, nhiều nhà giáo nêu quan điểm, nhà vệ sinh hay gọi là “công trình phụ” nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo sức khỏe của học sinh. Để đầu tư xây dựng, các nhà trường cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, dành nguồn lực thì nhà trường mới xây dựng được hạng mục công trình này.

Năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân – thành phố Thái Nguyên đưa vào sử dụng công trình NVS mới kiên cố tại dãy nhà lớp học 2 tầng với kinh phí xây dựng khoảng trên 1 tỷ đồng.

Công trình rộng 200 mét vuông với 4 phòng vệ sinh cho học sinh nam, nữ riêng biệt. Bước vào thăm khu vệ sinh bên trong, chúng tôi ngỡ ngàng không nghĩ đây là NVS học sinh trong trường học vì tiện nghi, nội thất khang trang đầy đủ. Tất cả đều sáng choang, thơm tho.

Theo cô Cao Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường: Trước đây NVS của trường được tách riêng, xây cấp 4 theo kiểu cũ rất khó cọ rửa. Học sinh thường không hay dùng vì sợ bẩn và mùi hôi. Được sự quan tâm của thành phố Thái Nguyên, ba năm nay trường huy động XHH trong cán bộ, giáo viên và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Năm nay, bước vào dịp hè, nhà trường tổ chức khởi công xây dựng để kịp cho năm học mới trẻ có NVS sạch đẹp. Kèm với công trình vệ sinh, là công trình nước sạch đạt tiêu chuẩn để đủ nước vệ sinh.

Cô Cao Thị Hằng giới thiệu về công trình NVS mới của trường
Cô Cao Thị Hằng giới thiệu về công trình NVS mới của trường

Tại Trường Tiểu học Đồng Quang vấn đề NVS của trường được người dân đặc biệt quan tâm khi gửi trẻ. Lãnh đạo phường cũng quan tâm khi đến trường là nhắc nhở công tác này. Hiện với 630 học sinh, trường có 3 NVS được đầu tư xây dựng qua các năm. Công trình NVS cho học sinh mới nhất được xây năm 2016.

Vấn đề nằm ở chỗ có NVS rồi thì giữ gìn, đảm bảo vệ sinh như thế nào để luôn được thơm tho, sạch đẹp. Trường Tiểu học Đồng Quang phải xoay xở, tìm mọi nguồn để trả lương cho hai cô lao công, kiêm luôn việc thường xuyên dọn rửa vệ sinh nên NVS luôn được đảm bảo sạch sẽ.

Theo bà Lê Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thái Nguyên: NVS dành cho học sinh đang được thành phố Thái Nguyên quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện đang rà soát hiện trạng, phân loại để xác định những trường nào ưu tiên trong phân kỳ đầu tư. Những trường nào trong những năm gần đây đã huy động XHH được nguồn lực, xây NVS sạch đẹp rồi thì sẽ ưu tiên cho các trường khác đang bức xúc hạng mục này.

Đầu tư có lộ trình

Đấy là với các trường học ở thành phố có điều kiện xây dựng NVS, còn ở các trường học vùng khó khăn tại các huyện của tỉnh Thái Nguyên giải quyết vấn đề này như thế nào? Ông Phạm Việt Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, tỉnh Thái Nguyên đang rà soát hiện trạng NVS trường học để thực hiện đầu tư có lộ trình qua các năm. Trước mắt, tỉnh đang tiếp tục thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” cho các huyện khó khăn.

Chương trình này có các tiểu dự án thực hiện qua từng năm. Năm học này, tỉnh sẽ đầu tư, xây dựng 38 công trình NVS trường học với tổng số vốn 12,1 tỷ đồng. Năm 2017, đã xây dựng được 29 công trình NVS; và trong năm tới, số NVS sẽ được xây dựng trong khuôn khổ dự án là 34 công trình. Hiện Sở GD&ĐT đang tích cực cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh thực hiện chương trình này để các nhà trường có điều kiện vệ sinh tốt nhất cho học sinh.

Theo khảo sát của Sở GD&ĐT ở 101 trường học, hiện các trường đều đã có NVS nhưng hầu hết là không đạt chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Có công trình vẫn còn là NVS lộ thiên, dùng tro bếp. Các công trình này trước đây huy động chủ yếu bằng nguồn thu XHH. Trước thực trạng đó, Sở đang tiến hành lập thiết kế, dự toán để trình tỉnh.

Có nhiều mẫu NVS theo mẫu của Bộ; trường nào quy mô học sinh đông thì dùng mẫu 6 hố vệ sinh với suất đầu tư 320 triệu đồng/công trình. Trường nào có quy mô vừa thì dùng mẫu 4 hố vệ sinh với suất đầu tư 250 triệu đồng/công trình; Trường quy mô học sinh nhỏ thì dùng mẫu nhỏ với 2 hố vệ sinh với suất đầu tư 180 triệu đồng/công trình; Bên trong các công trình này có các hạng mục nhỏ đảm bảo vệ sinh như: Máng tiểu, bồn cầu bệt, máng rửa tay, sử dụng vệ sinh bằng phương pháp dội nước.

Theo ông Dương Văn Quý – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT) thì mặc dù nhiều trường đã được các cấp, các ngành rất quan tâm, đầu tư NVS đạt chuẩn. Nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên không được chú ý nên hỏng hóc, thiếu nước sạch là phổ biến. Thêm vào đó, khi có NVS rồi thì lại không có kinh phí để trả cho người quét dọn dẫn đến tình trạng mất vệ sinh.

Do đặc thù của NVS phải được thường xuyên lau, rửa mới sạch sẽ thơm tho. Thiếu người quét dọn đã trở thành nguyên nhân chính làm cho NVS ở trường học bốc mùi khiến học sinh không muốn vệ sinh ở các công trình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ