Vượt qua thách thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với việc thiếu giáo viên - thách thức được cho là lớn nhất khi triển khai dạy học Tiếng Anh, Tin học - đòi hỏi có giải pháp tổng thể...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Ông Ray Murray, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Certiport - đơn vị khảo thí hàng đầu thế giới về các bài thi công nghệ thông tin qua mạng lưới 1.400 trung tâm khảo thí tại 150 quốc gia, lãnh thổ - đã bày tỏ ấn tượng với giáo dục Việt Nam, đặc biệt trong việc cho học sinh học Tin học bắt buộc từ lớp 3.

Khi chia sẻ điều này với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong cuộc gặp, làm việc tại Hoa Kỳ, ông Ray Murray cho rằng, đây có thể là mô hình để các quốc gia khác học hỏi, vì Australia, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới, phải đến lớp 7 mới triển khai nội dung này.

Có thể thấy, việc Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc từ lớp 3 là phù hợp, tất yếu trong bối cảnh hội nhập và công nghệ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng giúp học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Dù còn những khó khăn ở cả nguồn lực con người và cơ sở vật chất, nhưng việc đã có 92,98% học sinh được học tiếng Anh lớp 3, lớp 4 và 5; việc tổ chức dạy môn Tin học tự chọn đạt xấp xỉ 70% là cơ sở bảo đảm tính khả thi khi triển khai.

Bộ GD&ĐT không chỉ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, mà còn đốc thúc sát sao, cùng xác định vấn đề vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng tỉnh/thành. Về phía các địa phương, trước năm học 2022 - 2023 đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng máy tính, thiết bị dạy học Tin học và Tiếng Anh; đặc biệt tập trung tuyển dụng, điều chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học hai môn học này theo chương trình mới.

Nhiều sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh giải quyết thiếu biên chế bằng hợp đồng giáo viên Tiếng Anh, Tin học theo Nghị quyết 102; điều động bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp; linh hoạt dạy học cuốn chiếu; xây dựng kho học liệu dùng chung…

Đáng chú ý, một số nơi đã vận dụng Nghị định số 24/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ban hành nghị quyết chuyên đề để triển khai xác định dịch vụ giáo dục, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ. Mục tiêu 100% học sinh học lớp 3 phải được học môn Tin học và Tiếng Anh dưới nhiều hình thức khác nhau; không để xảy ra tình trạng vì điều kiện triển khai chương trình mà có học sinh không được học.

Hiện, Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3 đã đi vào thực tiễn hơn một tháng. Có thể thấy, cơ bản các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để tổ chức dạy học Tiếng Anh, Tin học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trường khó khăn trong bố trí giáo viên đã xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp; sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy nhiều điểm trường; xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến (khi đảm bảo các yêu cầu); tham mưu các cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp với tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy học Tiếng Anh, Tin học bảo đảm thực hiện chương trình môn học…

Tuy nhiên, có lẽ không chỉ dừng ở việc 100% học sinh được học và bảo đảm điều kiện học tối thiểu mà chúng ta cần nỗ lực để tổ chức dạy học Tiếng Anh, Tin học có chất lượng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp huyện theo phân cấp.

Với việc thiếu giáo viên - thách thức được cho là lớn nhất khi triển khai dạy học Tiếng Anh, Tin học - đòi hỏi có giải pháp tổng thể: Ưu tiên bố trí biên chế cho các khối lớp triển khai chương trình mới, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học tiểu học; đặt hàng đào tạo giáo viên Tiếng Anh, Tin học; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; thực hiện nghiêm túc lộ trình nâng cao chuẩn trình độ đào tạo giáo viên; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ