(GD&TĐ) - Khởi thủy đây là trại thương binh nặng Cẩm Hà, được thành lập năm 1977, sau đổi tên thành Trại thương binh nặng Hội An (Quảng Nam), rồi mang tên như hiện nay. Trung tâm hiện nuôi dưỡng 32 người, gồm những thương binh nặng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ không nơi nương tựa. Ngoài ra hàng năm Trung tâm còn đón khoảng 2.800 người có công với cách mạng về đây an dưỡng.
Nhưng điều đặc biệt nhất là từ trung tâm này đã nảy nở những câu chuyện đẹp về tình yêu, tình người của những số phận bị mất mát bởi chiến tranh.
Nỗi đau giữa thời bình
Một góc trung tâm |
Trại thương binh nặng Hội An lúc cao điểm nuôi dưỡng lên đến 600 người, bị thương tật rất nặng. Đang là những chàng trai phơi phới tương lai bỗng biến thành những người tàn tật… khiến trong số họ không ít người rơi vào trạng thái bi quan. “ Vì bi quan chán nản cộng với nỗi mặc cảm tàn phế nên chúng tôi rất hay quậy phá nhiều khi rất vô cớ. Một số thương binh nặng khác, từng bị tiêm nhiều moocphin (thuốc giảm đau) nên bị nghiện nặng. Họ tìm đủ đường để lấy trộm vật dụng của trại, của anh em, đi mua thuốc rồi tự chích. Giải quyết những vụ lùm sùm như thế, lãnh đạo trại rất đau đầu và mất không ít công sức.
Rất may nhiều chàng trai ở trại trong khi rơi đến tận cùng của sự tuyệt vọng thì đã lấy lại được niềm tin cuộc sống. Những cô hộ lý, điều dưỡng trong những ngày bón từng miếng cơm, thìa cháo và vệ sinh tắm rửa cho những chàng trai không còn lành lặn đã đem lòng yêu thương họ. Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đã làm cho nhiều thương binh hay quậy phá trở nên hiền dịu hơn. Họ định tâm lại và bắt đầu hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Và có khoảng 40 đôi trai gái như vậy đã kết duyên với nhau tại trung tâm này.
Tổ dân cư 15b
Theo chính sách an dưỡng thương binh tại cộng đồng của Bộ LĐ -TB&XH, nhiều gia đình đã đưa nhau về quê sinh sống. Một số vẫn sống tại khu tập thể thương binh nặng sát cạnh trung tâm. Và bây giờ cụm dân cư ấy hiện có 15 gia đình, tên gọi là tổ 15B, khối phố Hoài Yên, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng những gia đình sống tại tổ 15B, khối phố Hoài Yên có một điểm chung là ý chí vươn lên. Họ tuy tàn nhưng không phế, quyết tâm tạo dựng cơ ngơi, nuôi dạy con cái nên người.
Trong ngôi nhà hai tầng vừa mới xây, anh Dương Văn Thanh kể với tôi những năm tháng truân chuyên của thời trai trẻ. Quê anh gốc Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, anh được gọi nhập ngũ, biên chế vào đội hình của sư đoàn 95, Quân khu 5. Tháng 10/1979 trong một lần truy kích bọn Pôn Pốt trên đất Campuchia, đơn vị anh rơi vào cái bẫy gài sẵn của chúng. Một quả ĐKZ nổ gần đã khiến anh bị thương một chân, bể xương chậu, thủng bụng…
Sau một thời gian cứu chữa, anh được đưa về an dưỡng tại Trại Thương binh nặng Hội An. Chán chường bởi bệnh tật, tàn phế nhiều lúc anh nóng nảy, hay gây sự với mọi người. Thế rồi cuộc đời anh đã rẽ sang ngã khác. Mối tình với cô gái Khổng Thị Lan ở Trung tâm xã hội Hội An đã làm cho anh thuần tính lại.
Chị Lan quê ở Khánh Hòa, trước năm 1975 được nuôi tại cô nhi viện Đà Nẵng. Những ngày ở trại thương binh nặng hội An, anh Thanh được cử đến Trung tâm xã hội Hội An để học làm chổi đót. Chị Lan quản lý nhà bếp ở đây. Họ cưới nhau năm 1982. Có vợ, có con, anh hiểu trách nhiệm làm chồng, làm cha. Thế là anh đi học nghề thợ mộc.
Làm được vài năm, hết làm chủ anh lại vác cưa đục đi làm thuê. Tích góp lần hồi, năm 2011 anh chị xây ngôi nhà 2 tầng khá khang trang với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Nhưng anh bảo thành tựu lớn nhất đời anh là hai cậu con trai nay đã trưởng thành. Đứa con đầu làm cho Công ty truyền tải điện Miền Trung, đứa thứ hai lái xe.
Ở tổ 15B, khối phố Hoài Yên, mọi người cũng thường kể về gia đình anh Trịnh Công Thanh và chị Lê Thị Liên. Anh Thanh quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Anh cũng là lính chiến trường K. Trong một lần tuần tra, đồng đội anh vướng mìn của địch, anh cũng bị thương nặng ở đầu và ngực, may hai chân vẫn lành lặn. Về trại thương binh nặng Hội An, anh gặp chị Liên, quê xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng là bộ đội chuyển ngành xin về trại làm hộ lý.
Chuyện tình của chị làm cho gia đình và bạn bè bị sốc nhưng chị Liên vẫn quyết tâm đến với anh Thanh. Tình yêu đã tạo nên sức mạnh để anh chị vượt qua những rào cản, khó khăn, chung tay xây dựng gia đình. Sau khi kết hôn, chị tiếp tục làm hộ lý tại trung tâm, hiện là tổ trưởng tổ điều dưỡng. Còn anh không làm được việc nặng nên phụ giúp vợ việc nhà, nuôi gà, tăng gia sản xuất và trồng cây cảnh.
Có anh đảm đang việc nhà, trông nom con cái, chị Liên rất an tâm khi theo các đoàn thương binh, người có công trong những chuyến điều dưỡng dài ngày. Giờ đây cô con gái của anh chị đang theo học năm 4 trường đại học kinh tế Đà Nẵng. Riêng với chị Liên, đó còn là kết thúc có hậu cho quyết định có phần liều lĩnh của chị trước đây.
Nói về những nữ điều dưỡng có chồng là thương binh nặng, anh Nguyễn Đức Liên, trưởng phòng Hành chính của trung tâm luôn giành những lời khâm phục, quý mến. Đó là những chị Tín, chị Liên, chị Cúc, chị Lan…luôn tận tụy với công việc.
Vượt qua nỗi đau
Vượt qua nỗi đau, mất mát bởi chiến tranh… phải kể đến gia đình của cô Lê Thị Kim Cúc. Thời chiến tranh chống Mỹ, cô là y tá của bệnh xá dân y Quảng Nam, thường đứng chân ở vùng Trà Đông, Trà Dương huyện Bắc Trà My bây giờ. Trạm xá là mục tiêu đánh phá của quân Mỹ, thường xuyên hứng bom tọa độ. Tự tay cô Cúc đã chôn cất rất nhiều đồng đội, rồi đến năm 1971, cô cũng bị thương nặng - mức thương tật hiện được xếp là 100% - sau được chuyển ra Bắc an dưỡng.
Năm 1979, cô Cúc được chuyển về Trại thương binh nặng Hội An. Tại đây cô gặp ông Ngô Nở cũng là thương binh thời chống Mỹ. Ông Nở quê Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tham gia bộ đội chủ lực. Ngày hòa bình ông trở về chẳng còn được gặp lại cha mẹ vì họ đã bị bom đạn giặc sát hại. Hai thân thể thương tật và hai trái tim cô đơn đã tìm đến nhau để sưởi ấm.
Nhưng sau 15 năm chung sống thì ông Nở vì thương tật nặng đã qua đời, để lại cho cô Cúc 3 đứa con gái, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi. Một phụ nữ với thương tật 100% phải nuôi 3 đứa con nhỏ là một gánh nặng quá sức.
Cô Cúc tâm sự: “Những lúc trái gió trở trời, vết thương sọ não lại đau đớn kinh khủng. Tháng lương cộng hết mọi khoản chỉ 5 triệu cho cả 4 mẹ con, nào cơm áo, sách vở… nhiều lúc tôi nghỉ chắc không vượt qua nổi. Nhưng rồi nghĩ để ảnh yên lòng nơi chín suối, mình phải cố gắng”
Cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng cô Cúc quyết tâm không để các con thất học. Cô tằn tiện, chắc chiu đắp đổi qua ngày. Và những cố gắng của cô đã được con cái đáp đền bởi sự nỗ lực vươn lên. Người con gái đầu có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Cô con gái thứ tốt nghiệp trường cao đẳng y tế Đà Nẵng và đang làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở Hội An. Con gái út của cô đang đồng thời theo học tại trường đại học Kiến trúc và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Cô Cúc tâm sự: gia đình có được hôm nay, ngoài cố gắng bản thân, cô đã được mọi người trong khu tập thể giúp đỡ, động viên rất nhiều. Cùng cảnh ngộ thương tật, họ đùm bọc tương trợ nhau như anh em một nhà - bởi hơn ai hết, qua máu lửa chiến tranh họ biết rõ sự quý giá của tình đồng chí, đồng đội keo sơn.
Chia tay những thương binh nặng ở khối phố Hoài Yên, tôi chợt tự hỏi ai đã đặt cho nơi này dòng tên của nỗi niềm hoài vọng bình yên, để bây giờ sự bình yên đã vĩnh viễn đẩy lùi bao nhiêu gian lao, mất mát… |
Duy Hiển