Vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Anh: Bà May thoát hiểm, Brexit thì chưa

GD&TĐ - Ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Anh với số phiếu ủng hộ sít sao, Thủ tướng Theresa May đã lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ có quan điểm đối lập cố gắng hàn gắn chia rẽ, ngồi lại trao đổi và phá vỡ sự bế tắc trong thỏa thuận về Brexit. Lẽ đơn giản, cá nhân bà May đã thoát hiểm, nhưng số phận của Brexit thì vẫn lửng lơ.

Dòng người thờ ơ đi ngang qua người đàn ông đang thể hiện sự ủng hộ đối với Brexit cũng như bà May, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 16/1
Dòng người thờ ơ đi ngang qua người đàn ông đang thể hiện sự ủng hộ đối với Brexit cũng như bà May, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 16/1

Hai câu chuyện khác biệt

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 16/1 tại Quốc hội Anh đã mang về cho bà May 325 phiếu ủng hộ, so với 306 phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu này diễn ra một ngày sau khi Quốc hội bỏ phiếu từ chối thỏa thuận về Brexit mà bà May đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU).

Thời gian đến ngày 29/3 (thời điểm Brexit tự động kích hoạt, theo thỏa thuận nói trên) đang cạn dần; cũng là lúc nội bộ nước Anh chia rẽ sâu sắc, xung quanh việc rời khỏi tổ chức mà họ đã tham gia từ năm 1973. Sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố, một chiến thắng cho bà May và đảng Bảo thủ của bà, nữ Thủ tướng nước Anh tin rằng giờ là lúc trách nhiệm thuộc về Quốc hội, để tìm giải pháp thực hiện nguyện vọng của đa số người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Thế nhưng, các nghị sĩ đối lập với Công đảng đứng phía sau không coi mọi chuyện đơn giản như thế.

Các nghị sĩ đối lập với chính phủ của bà May đã thể hiện rõ quan điểm phản đối thỏa thuận Brexit mà chính phủ đạt được với EU. Hoặc bà May đồng ý với các điều kiện của họ, đàm phán lại với EU, hoặc nước Anh sẽ rời khỏi EU mà không đi kèm thỏa thuận nào, đồng nghĩa với việc “ra đi tay trắng”.

Để giải quyết tình hình, ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bà May đã mời lãnh đạo Công đảng đến phố Downing vào cuối ngày 16/1 để trao đổi. “Hãy ngồi lại để tìm cách tiến về phía trước. Bây giờ là lúc cần phải đặt lợi ích cá nhân sang một bên”, bà May phát biểu với báo chí trước văn phòng của mình vào trưa 16/1.

Mặc cả chính trị

Phản ứng trước lời kêu gọi của bà May, ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo Công đảng đối lập, đã thẳng thắn từ chối cuộc đối thoại, cho biết chỉ đàm phán với chính phủ khi nào các thỏa thuận về Brexit với EU được rút lại.

Các cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hôm 15 và 16/1 thực sự là cuộc chiến đầy cân não của các chính khách nước Anh. Đại diện cho các đảng phái đối lập thể hiện rõ quan điểm về thỏa thuận Brexit mà chính phủ đạt được với EU hồi cuối năm 2018; nhưng họ cũng phải cố gắng không thể hiện sự chia rẽ thái quá, hay nói đúng hơn là sự xa lánh, đối với chính phủ - một trong những nguyên tắc tối thượng của bất cứ quốc gia nào.

Bằng cách từ chối thỏa thuận Brexit, nhưng vẫn ủng hộ chính phủ của bà May, rõ ràng các nghị sĩ đối lập đã đưa ra một con bài mặc cả quan trọng: Brexit là sinh mệnh chính trị của bà May, việc thực hiện ra sao để đạt được sự đồng thuận là do bà, còn uy tín chính trị của bà vẫn được bảo lưu, ít nhất cho đến khi giải quyết ổn thỏa vấn đề Brexit. Điều đặc biệt quan trọng nữa là vấn đề Scotland và Bắc Ireland trong việc Anh rời khỏi EU, nếu không xử lý khéo, hai thực thể này có thể tuyên bố tách khỏi Vương quốc Anh. Khi đó, Brexit sẽ thực sự là thảm họa lớn.

Tương lai bấp bênh

Bày tỏ sự ủng hộ đối với bà May, ông Nigel Dodds, Phó Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ cầm quyền, bày tỏ sự tự tin và khẳng định có thể thu xếp nguồn cung cấp (để hỗ trợ bà May) được xây dựng dựa trên các ưu tiên về lợi ích quốc gia trong thực hiện Brexit, để các đảng phái có thể đạt được sự hài lòng nhất định.

Đáp lại, ông Corbyn nói rằng không có cuộc đàm phán tích cực nào có thể xảy ra với chính phủ đương nhiệm, trừ khi có một Brexit được thỏa thuận lại, thậm chí là không cần thỏa thuận. Công đảng muốn có một liên minh hải quan thường trực với EU, một mối quan hệ chặt chẽ trong thị trường duy nhất, cũng như sự bảo vệ lớn hơn cho người lao động và người tiêu dùng.

Để xoa dịu tình hình, người phát ngôn của bà May cho biết, Thủ tướng cũng không loại trừ lựa chọn một Brexit không có thỏa thuận và đó là chính sách của chính phủ nằm ngoài liên minh hải quan EU. Các nhà quan sát cho rằng điều này có nghĩa là bà May đang nước đôi với tất cả các bên: EU, Quốc hội, người dân và các đảng phái đối lập ở Anh.

Thất vọng với sự lựa chọn của chính phủ, các đảng đối lập nhỏ hơn đã viết thư cho ông Corbyn sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, yêu cầu ông - với tư cách lãnh đạo đảng đối lập - tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, điều mà chính Công đảng cũng đã để ngỏ trong trường hợp các vấn đề xung quanh Brexit không được xử lý hoặc không có cuộc tổng tuyển cử diễn ra.

Tuy nhiên, ông Corbyn và các nhân vật chính trị cấp cao khác lo ngại rằng việc ngăn chặn Brexit có thể khiến 17,4 triệu người bỏ phiếu ủng hộ nó sẽ nổi giận, hoặc số phiếu từ chối Brexit không vượt qua được con số 17,4 triệu kia. Điều đó chỉ làm tình hình nước Anh thêm rối ren và chia rẽ, trong khi cả 27 thành viên còn lại của EU đều đã sẵn sàng cho một cuộc sống mới mà không có sự hiện diện của Vương quốc Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ