Vượt nguy hiểm vào bản với trò

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, đầu tháng 8, các trường học bắt đầu hoạt động trở lại với nhiều nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới.

Cô giáo điểm bản Cà Moong đến gặp trưởng bản để nắm tình hình học sinh sau hè.
Cô giáo điểm bản Cà Moong đến gặp trưởng bản để nắm tình hình học sinh sau hè.

Nhưng quãng đường đến trường của nhiều giáo viên cắm bản ở vùng cao Nghệ An đầy khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt khi thời tiết bước vào mùa mưa lũ gây sạt lở đất.

Đến hẹn về bản với trò

Con đường dốc vừa lởm chởm đá, vừa nhão bùn đất sạt lở với những rãnh sâu khiến cô giáo Vi Thị Đông và Lộc Thị Quỳnh nhiều lần sẩy chân trượt ngã. Nhưng rồi 2 cô giáo trẻ lại đứng dậy, đi tiếp. Con đường này trở nên quen thuộc, như quen với vất vả, nhọc nhằn ngày tháng cắm bản. Hôm nay, các cô trở lại Trường Mầm non Lượng Minh (huyện Tương Dương) trả phép, rồi theo phân công vào điểm bản Cà Moong.

Cà Moong là bản 100% bà con, học sinh là người Khơ Mú, nằm sâu trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. “Từ bến thuyền Bản Vẽ, tôi đi thuyền hơn 1 tiếng đồng hồ, rồi sau đó đi bộ vào bản Cà Moong.

Trời vẫn còn mưa, mấy lần ngã rách cả áo mưa, tôi và cô Quỳnh động viên nhau cố gắng đi nhanh để kịp vào trường trước khi trời tối. Đi bộ từ trưa đến tận hơn 5 rưỡi chiều, chúng tôi cũng vào được tới nơi. Dọn dẹp lại gian ký túc xá nhỏ để nghỉ ngơi rồi sáng hôm sau bắt tay vào công việc chuẩn bị cho năm học mới”, cô Vi Thị Đông (sinh năm 1998) kể.

Cô Đông tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non (Trường ĐH Vinh) năm 2000. Sau 1 năm dạy tại trường mầm non tư thục ở TP Vinh, cô quay về quê tại huyện Tương Dương nộp hồ sơ và được tuyển dụng làm giáo viên tại Trường Mầm non Lượng Minh.

“Năm thứ 3 tôi dạy học ở Lượng Minh và là năm thứ 2 nhận nhiệm vụ cắm bản Cà Moong. Thời gian đầu tôi khóc nhiều lắm. Những bỡ ngỡ cũng qua đi, mình chọn nghề, gắn bó với trẻ, thấy trò còn nhiều thiệt thòi nên chỉ biết cố gắng hơn…”, cô Đông tâm sự.

Đường dốc trơn trượt, cô Vi Thị Đông không thể đi xe máy mà phải dắt bộ vào điểm trường.

Đường dốc trơn trượt, cô Vi Thị Đông không thể đi xe máy mà phải dắt bộ vào điểm trường.

Sau khi trả phép, cô Đông cùng đồng nghiệp huy động phụ huynh giúp đỡ dọn dẹp, phát quang điểm trường, thực hiện công tác tuyển sinh. “Năm nay, bản có 42 trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi, nhưng chính thức đi học có 36 cháu. Còn 4 cháu khác chuyển sang học tại bản Xốp Cháo”, cô Lộc Thị Quỳnh cho hay.

Bên cạnh điểm trường mầm non, nhóm 4 thầy, cô giáo tiểu học cũng có mặt ở điểm bản Cà Moong. Thầy Lê Văn Đức, Trường Tiểu học Lượng Minh cho hay, theo kế hoạch, sau khi trả phép tại trường chính, giáo viên sẽ vào điểm lẻ ngay, nhưng do trời mưa, đường vào bản nguy hiểm, nên phải lùi lại 2 ngày.

“Quãng đường từ bến thuyền vào Cà Moong chỉ gần 5 km nhưng đường đi hiểm trở, một bên dốc cao, một bên vực thẳm. Ngày thường nếu không có mưa, có đoạn đi được xe máy, có đoạn phải xuống đẩy. Đợt mưa này, đất đá trên núi sạt lở xuống đường, không đi xe máy được, chúng tôi phải đi bộ hoàn toàn. Vất vả cũng thành quen, năm học mới đến, nếu không thấy thầy cô vào, học trò và bà con lại mong”, thầy Lê Văn Đức chia sẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học Lượng Minh chuẩn bị mặt bằng xây nhà ở bán trú cho học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Lượng Minh chuẩn bị mặt bằng xây nhà ở bán trú cho học sinh.

Bảo đảm điều kiện để trò trở lại trường

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh, thầy Nguyễn Văn Thanh cho biết: "4 phòng ở nội trú được Tổng Công ty Phát điện 1 tài trợ thông qua thủy điện Bản Vẽ. Dự kiến trong năm học này hoàn thiện đưa vào sử dụng. Ngoài chuẩn bị diện tích xây khu nhà ở nội trú cho học sinh, nhà trường vận động phụ huynh hỗ trợ để chuẩn bị dựng các nhà chòi bằng tre nứa… làm thư viện ngoài trời.

Từ nay đến khi tựu trường, chúng tôi sẽ tổng dọn vệ sinh, nhận bàn giao cơ sở vật chất, thông báo lịch học tới toàn bộ học sinh. Rà soát sĩ số để nắm bắt tình hình học sinh sau hè, vận động các em đến trường đúng lịch. Riêng đối với tuyển sinh lớp 1, nhà trường đã hoàn thành và đạt tỷ lệ huy động 100%".

Tại trường chính Tiểu học Lượng Minh, những ngày này từ ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh đều có mặt để chuẩn bị cơ sở vật chất đón năm học mới. Năm nay, toàn trường có 234/549 học sinh ở bán trú. Trong đó toàn bộ học sinh lớp 3 - 4 từ điểm lẻ được vận động về trung tâm để học Chương trình GDPT mới.

Do số lượng học sinh bán trú lớn nên phụ huynh giúp nhà trường vận chuyển bàn ghế từ các điểm lẻ về trường chính. Bên cạnh đó, nhà trường cũng di dời nhà tắm học sinh (dựng bằng tôn, thép) sang vị trí mới để lấy diện tích xây dựng 4 phòng ở nội trú.

Theo kế hoạch, các trường học trên địa bàn huyện Tương Dương chủ động lịch trả phép từ ngày 1 - 10/8, do đặc thù địa bàn rộng lớn, có nhiều vùng khó khăn, vất vả. Những ngày qua, mưa lớn liên tục cũng gây sạt lở khiến đường đến trường của giáo viên, nhất là các bản lẻ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Điển hình như đường điểm bản Cà Moong (xã Lượng Minh), bản Huồi Măn (xã Mai Sơn), bản Na Ngân (xã Nga My)…

Bà Võ Thị Tuyết Chinh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, thông tin, sau khi giáo viên trở lại trường lớp cho đến trước tựu trường, các đơn vị tập trung dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên trường lớp, tu sửa cơ sở vật chất… Đồng thời nắm bắt tình hình học sinh để kịp thời huy động đầy đủ sĩ số đến trường sau hè.

Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, mưa lớn cũng gây sạt lở tuyến đường từ thị trấn Mường Xén vào 2 xã Mường Ải và Mường Típ. Tuy nhiên, địa phương đã huy động lực lượng khắc phục và cơ bản đã có thể lưu thông bình thường.

Ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, cho hay, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện không bị thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng đến tường bao, khuôn viên một số trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới.

“Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường tập trung giáo viên và phân công nhiệm vụ sau hè như: Tuyển sinh, vận động học sinh tới trường, kiểm đếm, nhận bàn giao cơ sở vật chất, chuẩn bị điều kiện cho học sinh ở bán trú...”, ông Phạm Viết Phúc nói.

Là huyện biên giới khó khăn của Nghệ An, nhưng Kỳ Sơn thực hiện tốt và có nhiều trường tiểu học, THCS thực hiện mô hình trường dân tộc bán trú. Trong đó, riêng cấp tiểu học huy động học sinh lớp 3 – 5 từ điểm lẻ về trường chính ở bán trú để học Chương trình GDPT 2018. Qua nhiều năm mô hình này đã có hiệu quả và tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, huy động học sinh đến lớp cũng phải chú trọng thường xuyên và người đóng vai trò quan trọng chính là giáo viên – những người gần gũi với các em nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.