Kỳ 1
(GD&TĐ) - Với các thầy cô giáo vùng cao, năm học mới, chỉ cần tất cả các học sinh có mặt đông đủ đã mừng đến rơi nước mắt.
Để thực hiện phổ cập tiểu học đúng độ tuổi - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các thầy cô giáo vùng cao phải mở được lớp ở các bản – điều không hề đơn giản. Khó vẫn phải làm, huy động học sinh ở bán trú chính là giải pháp hiệu quả giải quyết khó khăn này.
Trường vùng cao, đằng sau cờ hoa, lời ca tiếng hát rộn rã trong ngày khai trường là rất nhiều tâm huyết, tình yêu, rất nhiều nhọc nhằn và gian khó của các thầy cô giáo. Có lẽ, chỉ có ở những nơi này, thầy cô mới có cảm giác run run, hồi hộp khi điểm mặt từng em đến trường; và niềm vui đón năm học mới chỉ thực sự trọn vẹn khi được nhìn thấy tất cả các gương mặt học sinh quen thuộc.
Dấn thân vào nơi gian nan
HS Trường Tiểu học Tú Lệ rạng rỡ ngày khai trường Ảnh: Thuận Sơn |
Bốn năm lên miền núi công tác, thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) trải lòng: “Tú Lệ chưa phải xã khó khăn nhất của huyện Văn Chấn, song tôi nhận thấy sự nghèo khó, lạc hậu còn hiển hiện thật sâu sắc ở vùng đất này. Điều này tác động rất lớn vào công tác giáo dục của nhà trường vì người dân ăn còn chưa no, mặc còn chưa ấm thì lấy đâu ra tiền để mua sắm đồ dùng học tập cho con em.
Biết rõ điều này nên chúng tôi đã tính toán, chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt với công tác vận động học sinh ra lớp. Nhờ vậy, đầu tháng 8 này, khi được thông báo, học sinh ở các thôn bản thấp đã ra lớp tương đối đầy đủ. Tuy nhiên còn một thôn bản 100% dân tộc Mông cách trường khoảng 7 km, học sinh ra lớp rất ít, chỉ lác đác vài em. Ở đây, điện lưới không có, sóng điện thoại chỗ có chỗ không, đường đi chủ yếu là dốc đứng (đây là thôn bản khó khăn nhất của xã Tú Lệ)”.
Để giải quyết “điểm nóng” này, trường đã cử thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Du và thầy Tổng phụ trách Đội trực tiếp lên bản vận động học sinh ra lớp. Việc đầu tiên là các thầy vào nhà trưởng bản nhờ bắc loa tay, thông báo cho bà con việc nhà trường tập trung học sinh, sau đó đi thăm gia đình một số em. Qua lời thầy hiệu phó thì học sinh lớp lớn ở đây đều phải theo cha mẹ đi làm nương, làm ruộng. ác em lớp bé phải có các anh, các chị mới dám đến trường. Trong thôn, đa số mẹ của các em không biết tiếng phổ thông nên khi gặp giao tiếp vô cùng khó khăn.
Vượt lũ, băng ngàn
Học sinh Trường Tiểu học Tú Lệ đón khai giảng năm học mới. Ảnh: Thuận Sơn |
Nói đến sự nghèo khó, thiếu thốn của học trò Tú Lệ, thầy Nguyễn Văn Du nói: “Lần sau đi Khau Thán phải chở nửa bao tải kẹo lên. Trẻ con ở đây rất đông, chia được một vòng quay lại thì các em đã ăn hết. Những cái kẹo bán theo cân, trẻ em vùng thấp không bao giờ ngó tới thì với các em nhỏ nơi này đã vô cùng quý giá. Rồi chuyện đường sá, sông suối cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của nhà trường. Cuối tháng 7 đến tháng 11, đúng thời điểm đầu năm học, chỉ cần trận mưa to là đường đi đến điểm trường lẻ lại bị ngăn cách. Không nói đến học sinh mà ngay cả thầy cô giáo cũng khó mà qua được”.
Đầu năm học mới 2012, thầy Đinh Quốc Hưng là Phó Hiệu trưởng nhà trường khi hết giờ học thấy mưa to đã chủ động đi đón các cô giáo dạy trong điểm lẻ về. Lần thứ nhất, thầy dắt được hai cô sang. Lần thứ hai, khi dắt hai cô giáo mầm non thì nước đột ngột về nhiều, cộng sức nặng của hai cô đã làm cả 3 người bị nước cuốn đi. Rất may là lúc đó có một thầy giáo khác kinh nghiệm sông nước đã kịp xuống kéo lần lượt ba người lên bờ và đưa một cô giáo mầm non đi cấp cứu. May mắn, cả 3 đều an toàn.
Cả xã Tú Lệ, tính cầu tạm, cầu kiên cố đến hơn chục chiếc. Nhưng những chiếc cầu tạm cứ sau một trận lũ lại bị cuốn đi nếu không kịp làm là học sinh lại nghỉ học. Nhà công vụ cho giáo viên quá cũ và tạm bợ, đó cũng là trăn trở của chúng tôi mỗi đầu năm học mới đến. Nhiều hôm, mấy giáo viên đang ngồi uống nước, có con rết to bằng ngón tay bò ra, có hôm còn cả rắn độc phùng mang, phun độc định cắn học trò. Gặp tình huống này, các thầy giáo còn bình tĩnh xử lý, tiêu diệt “sát thủ rừng xanh” được song với chị em nữ nhiều khi sợ gọi không nên lời. Rồi năm học mới này, nhà trường vẫn phải cho các em học một phòng học tạm, mùa đông thì rét, mùa hè thì nóng bức, thương học trò lắm nhưng lực bất tòng tâm.
Năm nay, Trường tiểu học Tú Lệ dự kiến sẽ có khoảng 610 học sinh. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhân lực cũng không nhiều nhưng đến nay, các thầy cô đã bỏ công sức để cùng tu sửa trường lớp khang trang hơn. Ngày 4/7 vừa qua, trường đã vận động chi đoàn thanh niên quét dọn mạng nhện, phát quang bờ rào xung quanh trường, tỉa cây cảnh, phun thuốc diệt cỏ… Ngày 25/7, họp hội đồng nhà trường, điều chỉnh phân công đối với giáo viên; phân công giáo viên huy động học sinh ra lớp, sau đó là 2 ngày lao động vệ sinh. Ban giám hiệu cũng hợp đồng với thợ quét vôi ve, thay lại trần nhà lớp học của hai khu lẻ. Năm nay cả 3/3 điểm trường được quét vôi ve khang trang sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh. Tất cả những sự chuẩn bị đó chỉ để chờ đón một niềm hạnh phúc lớn nhất: Cả 610 học sinh đều sẽ đến trường.
Hiếu Nguyễn (ghi)
(Còn nữa)