Dậy sớm để động viên học sinh tới trường
Năm 1959, người Rục được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tình cờ phát hiện và họ chỉ là một nhóm người gồm 11 nam, 23 nữ, bốn em nhỏ và một già làng. Cuộc sống của người Rục dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài…
Sau khi phát hiện tộc người trên, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình cắt cử cán bộ, đảng viên đến trú chân cùng người Rục. Dưới rặng rừng già của đỉnh núi Trường Sơn, những lớp học xóa mù đã được mở, đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, những thầy giáo mang quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng đã dạy cho bà con dân bản bắt đầu từ những chữ A, O, I, T…
Cùng với đó đến năm 1963, Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) được thành lập để dạy học cho con em đồng bào nơi đây. Đến nay, trải qua hàng chục năm, những người Rục hầu hết đã biết đến con chữ.
Tuy nhiên, để xóa mù chữ và không xảy ra tình trạng tái mù chữ, những giáo viên ở Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa đã không quản ngại gian khó để phổ cập giáo dục, mang con chữ đến cho học sinh ở đây.
Thầy Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học THCS Thượng Hóa cho biết, Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa có 3 điểm trường ở bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ với hơn 150 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là con em đồng bào Rục.
Tại các điểm trường ở đây, nhiều giáo viên thường dậy sớm hơn thường ngày 1 giờ đồng hồ để đến tận nhà một số em học sinh để động viên các em đến trường.
“Các em học sinh tại đây đa phần là con em của đồng bào dân tộc thiểu số nên về nhận thức còn có hạn chế, bản thân gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống nên việc quan tâm đến việc học tập của con em mình còn hạn chế.
Các giáo viên ở Trường Tiểu học THCS Thượng Hóa luôn nỗ lực vượt khó để mang cái chữ đến cho học sinh dân bản. (Ảnh: CTV) |
Những năm qua, dù thiên tai mưa lũ nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các chính quyền về cơ sở vật chất lẫn tinh thần nên giáo viên ở đây quyết tâm bám trường, bám bản gieo con chữ”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học THCS Thượng Hóa chia sẻ.
Xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm
Theo thầy Dũng, hiện tại công tác dạy học ở Trường Tiểu học THCS Thượng Hóa vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều nơi phải sử dụng các phòng học tạm; thiếu đội ngũ giáo viên; thiếu thiết bị dạy học; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều rào cản, một số trường cơ sở vật chất xuống cấp.
Tuy nhiên, cùng với việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn của nhà trường; thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo dạy học theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh… thì việc xóa mù chữ cũng được Trường Tiểu học THCS Thượng Hóa xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, để thực hiện tốt công tác giáo dục và xóa mù chữ, thời gian qua, huyện cũng đã triển khai hiệu quả các nội dung của chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; triển khai thực hiện các nội dung của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025”, “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” và quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em đến trường.
Ngành GD&ĐT huyện triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập… Đặc biệt, huyện tiếp tục duy trì và phát triển quy mô mạng lưới trường lớp tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tốt chế độ chính sách đối với học sinh và đội ngũ giáo viên vùng dân tộc thiểu số…
Từ những nỗ lực đó, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.