Vượt khó vươn lên, Giáo dục Hưng Yên có nhiều điểm sáng

GD&TĐ - Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh Giáo dục của tỉnh Hưng Yên nổi lên với nhiều điểm sáng.

Đ/c Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chúc mừng thầy và trò trường THPT Chuyên Hưng Yên tại Lễ khai giảng năm học 2022-2023.
Đ/c Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chúc mừng thầy và trò trường THPT Chuyên Hưng Yên tại Lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Đây là tiền đề để toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.

Nỗ lực vượt khó

Nhớ lại năm học 2021 - 2022, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – cho hay: Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội; trong đó có giáo dục và đào tạo. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học.

Học sinh trường Tiểu học Tống Trân, huyện Phù Cừ sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.
Học sinh trường Tiểu học Tống Trân, huyện Phù Cừ sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.

Đồng thời, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Mặt khác, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng, Sở yêu cầu các trường tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát và tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng với đó, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non.

“Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo” - ông Phê nhấn mạnh.

Một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên là thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp các cơ sở giáo dục. Đến nay mạng lưới giáo dục và quy mô trường lớp tiếp tục ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 347 trường phổ thông, trong đó: 139 trường tiểu học; 142 trường THCS; 35 trường THPT; 27 trường TH&THCS; 1 trường THCS &THPT; 3 trường TH,THCS&THPT tư thục. Ngoài ra, toàn tỉnh có 192 trường mầm non; trong đó có 161 trường công lập, 31 trường tư thục (tăng 2 trường tư thục so với năm học 2020-2021) với gần 3.400 nhóm, lớp.

Về bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT nhấn mạnh, việc này được triển khai hiệu quả đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; chất lượng phổ cập giáo dục luôn ở mức cao. Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bổ sung biên chế giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông của các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn ngành có hơn 17.100 cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDNN-GDTX. Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 tăng.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Theo ông Phê, công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT đạt kết quả tốt; kỉ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục được nâng cao, thực hiện đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên. Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy và chuyển đổi số trong toàn ngành, khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin trong quản lí và dạy học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.

Ngành Giáo dục địa phương cũng triển khai thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022 - 2023. Trước đó, Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh đã lựa chọn và tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hưng Yên. Công tác lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, lựa chọn được những bộ sách phù hợp với từng địa phương và các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh; Sở GD&ĐT ban hành Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên lớp 3, lớp 7, lớp 10. Sau khi biên soạn, Sở GD&ĐT đã gửi dự thảo tài liệu giáo dục địa phương để xin ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và các cơ sở giáo dục.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, cán bộ quản lý và giáo viên các trường và các cá nhân có liên quan, Ban biên soạn tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu. Tháng 5/2022, hoàn thành tổ chức thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên lớp 3, lớp 7, lớp 10 trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Hiện các nhà trường chú trọng tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; Đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế nhà trường.

Ngành đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua do Bộ GDĐT phát động. Công tác đánh giá các đơn vị nhà trường theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT ban hành đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên.

Bước sang năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục Hưng Yên xác định chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Theo đó, toàn ngành tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thể chất, thẩm mỹ, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và công nghệ. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp, 8 và lớp 11.

10 nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022 – 2023:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo,

- Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh

- Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên

- Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

- Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

- Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.