Vượt khó nâng chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Đưa tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) vào dạy học được các địa phương chuẩn bị chu đáo về chương trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên.

Học sinh Trường Tiểu học Phan Thanh 1 (Bắc Bình, Bình Thuận).
Học sinh Trường Tiểu học Phan Thanh 1 (Bắc Bình, Bình Thuận).

Đồng thuận từ học sinh đến phụ huynh

Em Lưu Thái Tuyết (12 tuổi ở Ninh Hải, Ninh Thuận) thích học môn Tiếng Chăm bởi đây là tiếng mẹ đẻ. Cùng các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, Tuyết được học đọc, viết tiếng Chăm từ lớp 2 đến lớp 5. “Em có thể đọc và viết tốt dù gia đình chỉ sử dụng tiếng Chăm trong giao tiếp. Em hy vọng có thể tiếp tục học tiếng Chăm ở các cấp học cao hơn. Em lo không được ôn luyện sẽ quên tiếng mẹ đẻ”, Tuyết nói.

Là người Chăm nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nga (58 tuổi, ngụ huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) không biết viết, đọc. Bà chỉ nghe và nói được vì từ nhỏ gia đình giao tiếp bằng ngôn ngữ Chăm. Việc tiếp cận mặt chữ và đọc chữ hạn chế do cha mẹ không biết chữ Chăm; khi đi học, sách vở hạn chế, đa số học qua tục ngữ, ca dao. Vì vậy, bà ủng hộ và mong muốn phát huy hơn nữa công tác dạy và học tiếng DTTS tại Ninh Hải.

“Các cháu được học chữ Chăm, về nhà ngoài giao tiếp bằng tiếng Chăm còn chỉ cho tôi thêm cách viết, đọc. Đồng thời, nhà trường gửi các clip quay lại tiết học để phụ huynh có thể ôn tập và kiểm tra bài ở nhà. Từ đó, không chỉ con, cháu đi học viết, đọc tiếng Chăm mà ông bà, cha mẹ ở nhà cũng có thể học”, bà Nga chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Mai Thúc Loan (huyện Ninh Hải), nhà trường áp dụng cách quay video bài giảng gửi về cho phụ huynh, phục vụ việc dạy và học tiếng Chăm.

Cô Trang giải thích, trong các buổi họp phụ huynh, ông bà của học sinh tham dự là chủ yếu bởi cha mẹ đi làm ăn xa. Trong thực tế, một số phụ huynh biết mặt chữ, thuận tiện hơn trong việc kiểm tra bài tập về nhà của con em. Do đó, nhà trường quay lại tiết dạy chữ tiếng Chăm, sau đó gửi video qua Zalo về gia đình.

Như vậy, phụ huynh có thể cùng trẻ học qua video, chuẩn bị và làm bài tập ở nhà. Nhờ phương pháp này, kiến thức của học sinh về tiếng Chăm được cải thiện. Phụ huynh có thể chỉnh sửa khi trẻ viết hoặc đọc sai.

vuot-kho-de-nang-chat-4.jpg
Cô Nguyễn Thu Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Phan Thanh 1 hướng dẫn học sinh viết tiếng Chăm.

Nhiều khó khăn, thách thức

Chia sẻ về khó khăn tại Trường Tiểu học - THCS Mai Thúc Loan và các trường dạy tiếng Chăm trên địa bàn huyện Ninh Hải khi triển khai dạy tiếng dân tộc, cô Nguyễn Thị Trang thông tin: Trước hết, sách giáo khoa dạy tiếng Chăm mới chưa được ban hành, vẫn sử dụng sách cũ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tiếng Chăm.

Bên cạnh đó, theo quy định Chương trình GDPT 2018, tiếng Chăm là môn học tự chọn nên không được bố trí biên chế giáo viên giảng dạy. Trường Tiểu học - THCS Mai Thúc Loan là đơn vị bắt buộc dạy học bộ môn Tiếng Chăm, biên chế không đáp ứng đủ, việc bố trí giáo viên dạy nhiều khó khăn.

Hiện nhà trường phải tăng cường giáo viên cấp THCS dạy một số tiết Giáo dục thể chất, Tin học cấp tiểu học; giảm tiết ôn tập của các khối lớp tiểu học để ưu tiên bố trí đủ tiết dạy tiếng Chăm theo quy định. Cô Trang đề xuất cần có chính sách để bố trí đủ biên chế giáo viên cho những trường bắt buộc dạy tiếng Chăm.

Gặp khó khăn tương tự, tại huyện Bắc Bình (Bình Thuận), thầy Phạm Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Hiệp cho biết, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 của trường còn thiếu, nhất là môn Tiếng Chăm.

Tỷ lệ giáo viên/lớp tại những trường dạy tiếng dân tộc nhiều bất cập so với mặt bằng chung toàn huyện. Giáo viên dạy tiếng dân tộc chưa mạnh dạn đăng ký tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện hoặc cao hơn, chưa đúc kết được những điều hay để viết sáng kiến kinh nghiệm trong việc dạy học tiếng dân tộc dù đội ngũ giáo viên có thâm niên về dạy tiếng dân tộc.

Nêu những khó khăn tồn tại, cô Thanh Thị Ngọc Ẩn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh 1 (Bắc Bình, Bình Thuận) cho biết, phần lớn phụ huynh không biết viết, đọc tiếng Chăm.

Bên cạnh đó, tiếng Chăm sử dụng trong cuộc sống bị pha tạp khiến học sinh khó khăn trong quá trình tiếp thu, vận dụng kiến thức học tại trường vào thực tế. Đặc biệt, sách giáo khoa chưa có từ lớp 1 đến lớp 4, học sinh vẫn học sách cũ; giáo viên dạy tiếng Chăm còn thiếu (trường có 3 cô dạy tiếng Chăm nhưng 1 cô mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải nghỉ dạy để điều trị bệnh) khiến công tác dạy học gặp khó khăn bởi đây là bộ phận đặc thù nên khó bố trí, sắp xếp giáo viên dạy.

Trước những vướng mắc, để đáp ứng nhu cầu đội ngũ, đảm bảo chất lượng dạy tiếng dân tộc, các địa phương của tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GD&ĐT mở mã ngành đào tạo tiếng Chăm để sớm kiện toàn nhân lực.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Thuận, hiện các trường đại học có thể tự mở mã ngành sau khi được Bộ định hướng. Tuy vậy, các địa phương, trường đại học sư phạm chỉ nên mở theo hướng dạy liên môn, không nên mở riêng mã ngành vì sẽ không phù hợp với nhu cầu đáp ứng việc làm sau khi ra trường. Cùng đó tạo cơ chế khuyến khích sinh viên sư phạm người DTTS học thêm văn bằng 2, hoặc chứng chỉ trong quá trình học tập để có thêm nguồn giáo viên bổ sung.

vuot-kho-de-nang-chat-3.jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (phải) trong đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại huyện Bắc Bình (Bình Thuận) về việc “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030”.

Tháo gỡ để duy trì và phát triển

Đánh giá kết quả dạy và học tiếng DTTS tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) khẳng định, dạy và học tiếng DTTS là điều kiện để góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận và Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cần xây dựng nhóm sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS. Tính tới thời điểm hiện tại, sách giáo khoa đã biên soạn, dự kiến trong năm nay sẽ phối hợp các sở, ban ngành triển khai công tác in ấn và phát hành.

Đối với công tác giảng dạy tiếng DTTS ở một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn về sách vở, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, ông Thanh đánh giá cao nỗ lực, công tác chuyên môn của các đơn vị, địa phương vẫn được giữ vững.

Đây là những nỗ lực, cố gắng đáng được biểu dương, nhất là công tác chỉ đạo, phát động phong trào đào tạo bồi dưỡng giáo viên, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi trong học sinh. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển chương trình, mở ngành đào tạo giáo viên tiếng DTTS, liên môn (trong đó có tiếng DTTS).

Ông Thanh đề nghị các địa phương đẩy mạnh đào tạo giáo viên tiếng DTTS đạt chuẩn trình độ theo quy định; thực hiện đào tạo giáo viên tiếng DTTS theo phương thức phù hợp (văn bằng hai, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ,...); tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng DTTS về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS.

Về vấn đề sách giáo khoa, ông Thanh cho rằng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện là phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng DTTS; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng DTTS; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng DTTS; hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS.

Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Chính phủ về công tác in ấn, cấp phát sau khi biên soạn giáo trình địa phương để đáp ứng đúng nhu cầu mà các địa phương cần. “Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu dạy và học tiếng Chăm và Raglai.

Về bộ chữ tiếng dân tộc Raglai, tỉnh Bình Thuận có thể tham khảo, xem xét mượn bộ chữ của tỉnh Ninh Thuận sử dụng để thuận tiện trong công tác bồi dưỡng. Dạy và học tiếng DTTS là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của các DTTS ở nước ta”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Ba Na, Chăm, Ê Đê, Khmer, Gia Rai, Mnông, Mông, Thái); bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học cấp tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn.

Ngoài ra, ban hành mới ít nhất 1 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trong đó, 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bản cam kết ở Làng Nủ

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Xuân Khang được biết đến là người thầy đầu tiên đã nhận nuôi toàn bộ số cháu nhỏ còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ hôm 10/9/2024.