Gỡ khó dạy - học tiếng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp nhưng việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) tại Tây Nguyên chưa đạt hiệu quả so với kỳ vọng.

Học sinh Tây Nguyên học tiếng mẹ đẻ để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Ảnh: TT
Học sinh Tây Nguyên học tiếng mẹ đẻ để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Ảnh: TT

Nhiều khó khăn

Theo báo cáo của UBND các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học tiếng mẹ đẻ hiện rất thấp, trong đó có nơi chưa tới 1%. Nguyên nhân được các địa phương lý giải, do thiếu sách và nguồn nhân lực đào tạo đạt chuẩn. Chế độ đãi ngộ cũng chưa tương xứng để thu hút đội ngũ dạy môn học đặc thù này.

Là giáo viên duy nhất dạy tiếng Ê đê tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), cô H’ Gem HĐớk luôn trăn trở tìm cách phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc mình trong khi học sinh chỉ biết nói 1 ít tiếng mẹ đẻ, hầu hết không biết đến chữ viết.

Thế nhưng, cô cũng mới chỉ trải qua lớp đào tạo ngắn ngày với chứng chỉ do sở GD&ĐT cấp. Còn sách để dạy học thì mượn từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk về sao chép (ở Đắk Nông chỉ có sách tiếng M’Nông - PV). Việc dạy học tiếng Ê đê cũng kiêm nhiệm.

“Không chỉ hay lẫn lộn giữa chữ viết Ê đê và tiếng Việt, hầu hết học sinh phát âm tiếng phổ thông thường không đúng thanh điệu. Thay vì đọc chữ “biết” các em lại phát âm thành “biêt”… Nhiều em phát âm sai, dẫn tới viết sai cả tên của mình. Để khắc phục, tôi tự tìm hiểu nên mất nhiều thời gian”, cô H’ Gem nói.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai) thầy A D Ris và cô Rơ Châm Thưng cũng có chuyên môn chính là giáo viên tiểu học và bồi dưỡng theo chương trình của sở GD&ĐT về dạy tiếng Bahnar và Jrai.

“Trong quá trình dạy học, khó khăn lớn nhất là thiếu thiết bị tối thiểu và bộ chữ cái. Vì vậy, giáo viên tận dụng thiết bị sẵn có của môn khác và vận dụng bộ chữ cái tiếng Việt để xây dựng nội dung bài dạy phù hợp, gần gũi với học sinh tại địa bàn”, cô Rơ Châm Thưng chia sẻ và cho biết thêm, bản thân phải thường xuyên lên Internet để tra cứu, tham khảo tài liệu và học hỏi kinh nghiệm dạy học.

Theo bà Nay H’ Ban - Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc Đắk Lắk, năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025, sở GD&ĐT đã bố trí đủ kinh phí để mua sách giáo khoa lớp 1 - 4, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì thiếu sách. Việc đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và thực hiện chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo cũng “vướng” quy định do phân cấp quản lý ở các cấp học. Đây là tình trạng chung của các tỉnh còn lại.

go-kho-day-hoc-tieng-dan-toc-thieu-so-2.jpg
Cô giáo H’ Gem HĐớk gieo chữ “mẹ đẻ” cho học sinh tại Đắk Nông. Ảnh: TT

Tập trung nâng cao chất lượng

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT chia sẻ với các tỉnh Tây Nguyên về khó khăn trong triển khai Nghị quyết số142/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng dạy học các môn Tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2030.

“Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em, địa hình rộng, hiện nay không có giáo viên dạy tiếng Ê đê nào đạt chuẩn do chưa có trường sư phạm đào tạo bộ môn này. Chúng tôi tiếp tục đề xuất Bộ quan tâm, cho phép Trường Đại học Tây Nguyên sớm mở mã ngành đào tạo tiếng Ê đê và một số tiếng DTTS.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù môn học, khuyến khích các sở GD&ĐT tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có để cấp chứng chỉ dạy học tiếng DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học”, ông Thanh nói.

Đối với Gia Lai và Đắk Nông, hiện Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đã đào tạo trình độ cử nhân dạy tiếng Bahnar, Jrai, M’ Nông. Do đó, theo ông Thanh, địa phương tích cực tham mưu, có chế độ đãi ngộ đặc thù để thu hút đội ngũ này. Thực tế, nhiều sinh viên ra trường nhưng không được tuyển dụng vào dạy, trong khi lãnh đạo các sở GD&ĐT vẫn “kêu” thiếu giáo viên.

“Vừa qua, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo sở, ngành các địa phương ở Tây Nguyên cho thấy, kinh phí bảo đảm cho triển khai nhiệm vụ này không thiếu. Như việc 2 giáo viên tại huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai chưa được chi trả đúng phụ cấp đặc thù, buổi sáng, thầy cô kiến nghị, đến chiều sở Tài chính trả lời huyện vận dụng sai chính sách nên phải chi trả đầy đủ cho giáo viên”, ông Thanh nói thêm.

Vụ Giáo dục Dân tộc, đồng thời đề nghị, trên cơ sở thiết bị dạy học, nguồn nhân lực… sẵn có, các tỉnh cần quan tâm vận dụng linh hoạt để nâng cao số lượng, chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Mục đích, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa bàn trọng yếu này.

Đắk Lắk hiện có hơn 14.000/172.007 học sinh DTTS được học tiếng Ê đê. Đắk Nông hơn 2.000/60.655 học sinh DTTS học tiếng M’ Nông và Ê đê. Trong khi đó, con số này của Gia Lai chỉ là 541/193.012 học sinh DTTS được học tiếng Bahnar và Jrai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ