Đẩy mạnh dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, giáo viên miền núi

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai chú trọng dạy tiếng Việt cho học sinh và tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho cán bộ, giáo viên “cắm bản”.

Giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số ở Gia Lai còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết: Trong năm học này, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục vùng DTTS. Qua đó, khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.

Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT và trường học ở vùng DTTS có giải pháp đảm bảo tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học đến trường đúng độ tuổi. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK GDPT 2018.

Ngoài ra, chú trọng giáo dục học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…

Cũng theo vị giám đốc sở, đơn vị cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT tiếp tục duy trì và phát triển quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng Bahnar và Jrai phù hợp với điều kiện địa phương. Đối với tiếng dân tộc Bahnar, Jrai triển khai dạy học chương trình lớp 1 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các lớp từ lớp 2 - 5 tiếp tục tổ chức dạy học theo chương trình và SGK hiện hành. Ngoài ra, đẩy mạnh dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS, miền núi.

Ngành đồng thời tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó, quan tâm bồi dưỡng giáo viên dạy lớp ghép. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng các nội dung mang tính đặc thù đối với vùng DTTS như: Giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa, giáo dục văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm hại tình dục và bạo lực học đường…

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ