Hướng dẫn dạy và học tiếng dân tộc thiểu số: Đồng bộ và chặt chẽ

GD&TĐ -Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở GD phổ thông, trung tâm GDTX nhận được sự quan tâm đặc biệt của thầy cô vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Một giờ học tại Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên.
Một giờ học tại Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ cùng thầy cô giáo

Bày tỏ vui mừng, cô Thông Thị Lệ, giáo viên môn Tiếng Chăm tại Trường Tiểu học Lâm Thiện, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đánh giá những nội dung mới có ý nghĩa, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng và người dân tộc nói chung.

“Với Thông tư 32, giáo viên dạy tiếng DTTS có thêm căn cứ, cơ sở để tổ chức dạy học nghiêm túc, bài bản. Tôi cũng yên tâm khi biết học sinh được đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học môn Tiếng DTTS như những môn học khác trong chương trình. Là giáo viên, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm trau dồi, phấn đấu hơn nữa để đáp ứng điều kiện giảng dạy”, cô Lệ bày tỏ.

Tại Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, công tác dạy học tiếng DTTS được duy trì trong suốt 10 năm qua. Với đặc điểm địa bàn 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nhà trường đã quan tâm triển khai dạy và học tiếng DTTS cho học sinh từ lớp 3 - 5. Mỗi lớp học 2 tiết/tuần.

Thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Từ Nghị định 82/2010/NĐ-CP, mới đây nhất là Thông tư 32 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm GDTX đều được ban hành có hệ thống. Việc phân phối chương trình, tài liệu, đồ dùng học tập xuống các cơ sở giáo dục có sự đồng bộ và chặt chẽ.

“Những văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể giúp giáo viên triển khai chương trình dạy học bài bản, có tổ chức; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai. Đây cũng thể hiện sự tri ân, đồng hành của các cấp, chính quyền đối với các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong dạy và học tiếng DTTS còn nhiều khó khăn”, thầy Điệp nói.

Gỡ khó cho các nhà trường

Theo nội dung của Thông tư 32, cơ sở vật chất tại các lớp dạy học tiếng DTTS được trang bị như các lớp học thông thường khác, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông. Thiết bị dạy học tiếng DTTS được trang bị theo quy định của Bộ GD&ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng chương trình dạy học tiếng DTTS.

Chia sẻ về nội dung này, Hiệu trưởng Nguyễn Thế Điệp cho biết: Khi triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS, nhà trường được trang bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đồ dùng dạy học chưa phải là nhiều. Nhà trường khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm đồ dùng dạy học, sưu tầm đồ dùng dân tộc.

Do đó, thầy Điệp kiến nghị cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các lớp học dạy tiếng DTTS. Giáo viên dạy tiếng DTTS cần được tham gia nhiều khoá bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giảng dạy môn học này.

Thông tư 32 hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thông tư làm rõ quy trình đưa tiếng DTTS vào dạy học. Phát huy trách nhiệm của giáo viên khi dạy học và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS. Trong đó có những quy định rõ ràng về hình thức tổ chức dạy học, chế độ chính sách, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.