Nam Định: Đầu tư tạo dựng môi trường học đường khang trang - hiện đại - an toàn

GD&TĐ - Chuẩn bị năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Nam Định chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra thực trạng cơ sở vật chất trường học, từ đó xây dựng kế hoạch nâng cấp sửa chữa, xây mới phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi địa phương theo hướng hiện đại, khang trang, sạch đẹp, thân thiện với môi trường học đường.

Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu sẽ được đầu tư thêm phòng học trong năm học mới. Ảnh: TG
Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu sẽ được đầu tư thêm phòng học trong năm học mới. Ảnh: TG

Xanh - sạch - đẹp  và an toàn

Nhà giáo Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định thông tin: Mặc dù khó khăn do lộ trình sáp nhập các trường nhưng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” vẫn được các địa phương, nhà trường quan tâm triển khai góp phần hoàn thiện tiêu chí về giáo dục và đào tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Ngay sau khi kết thúc năm học cũ, các địa phương, trường học trong tỉnh tiến hành tu sửa, hoàn thiện phòng học, trồng thêm nhiều cây xanh và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, vui chơi của học sinh, theo hướng hiện đại, khang trang, sạch đẹp.

Báo cáo của phòng GD&ĐT cho thấy, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai mở rộng khuôn viên, xây mới phòng học, phòng chức năng. Ở cấp THCS, toàn tỉnh hiện có 2.985 phòng học, 1.083 phòng học bộ môn, 39 nhà đa năng (trong đó có 28 nhà đa năng kiên cố) phục vụ cho các hoạt động giáo dục của đơn vị và 230 công trình vệ sinh.

Toàn ngành có 213/228 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 93,42%; 130/228 trường đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Ở cấp THPT có 1.421 phòng học và 385 phòng bộ môn, 38 nhà đa năng kiên cố và 57 công trình vệ sinh. Một phần trong số này mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới. Toàn tỉnh có 39/45 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 86,66%; 9/45 trường đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Đặc biệt, cấp tiểu học, để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, toàn ngành đã có 4.844 phòng học/4.844 lớp, 3.227 phòng chức năng, trong đó 270 thư viện, 102 máy photocopy, 7.251 máy vi tính, 921 máy chiếu, 212 phòng âm nhạc, 191 phòng mĩ thuật, 147 phòng ngoại ngữ, 281 phòng tin học, 43 nhà đa năng.

Hệ thống tủ lớp, đèn chiếu sáng, quạt mát, diện tích phòng học đạt yêu cầu theo quy định. 100% các trường học kết nối mạng Internet và có bộ thiết bị tối thiểu bảo đảm việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Đến nay, Nam Định có 193/291 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 269/291 trường đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. 

NGƯT Vũ Thế Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các trường trên địa bàn huyện kết hợp với Công ty sách và thiết bị giáo dục triển khai việc mua sách giáo khoa, sách tham khảo cho GV, giấy vở cho HS trước khi vào năm học.

Bên cạnh đó, công ty cũng có chương trình tặng sách giáo khoa cho HS thuộc gia đình chính sách, thương bệnh binh và HS nghèo vượt khó. Ngành tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ quản lý và giáo viên về trách nhiệm và sự cần thiết phải sử dụng thiết bị dạy học trong các giờ dạy, tăng cường mua sắm bổ sung thiết bị, tích cực tự làm thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

“Chúng tôi đặc biệt lưu ý các trường tiểu học, GV cần chủ động tiếp cận nhiều hơn nữa với Chương trình, sách giáo khoa mới để bảo đảm việc dạy – học hiệu quả nhất”, NGƯT Vũ Thế Hưng trao đổi.

Lấy trẻ làm trung tâm

Hoạt động xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là nhiệm vụ xuyên suốt trong nhiều năm qua ở Nam Định. Quá trình thực hiện đã hiện thực hóa các mục tiêu: Nhà trường phải thực sự là môi trường giáo dục thân thiện, an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ, trẻ với những người xung quanh…

Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Nam Định), việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm ở các nhà trường trên địa bàn phải phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ.

Đánh giá kết quả mô hình cho thấy, trẻ biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống trẻ gặp phải. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường/lớp. 

Như ở huyện Mỹ Lộc, để đẩy mạnh xây dựng mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch có lộ trình qua từng năm học. Cô Trần Thị Sen – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Hưng – huyện Mỹ Lộc, cho biết: Nhà trường xác định đây là yếu tố quan trọng góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.  

Theo NGƯT Vũ Thế Hưng: Quan điểm chỉ đạo của huyện là tạo môi trường giáo dục đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả trẻ có thể “chơi mà học, học bằng chơi”, phù hợp với thực tế của nhà trường. 

Cô Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lý (huyện Hải Hậu) cho rằng: Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là cách làm hay và hiệu quả. Ở Trường Mầm non Hải Lý đều có góc hoạt động trong và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ dùng, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.

Mỗi lớp học phải bảo đảm có đủ các góc chơi phù hợp với từng độ tuổi, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ. 

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp và nhân dân về giáo dục mầm non. Môi trường giáo dục trong và ngoài nhóm, lớp đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong và ngoài lớp mang tính mở, trẻ được tạo điều kiện, cơ hội hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, thân thiện và hiệu quả.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.