Vườn rau xanh của thầy và trò

GD&TĐ - Với hàng trăm HS ăn, ở tại trường, thầy cô giáo trường PTDTBT THCS ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng các loại rau, nuôi lợn nhằm cung cấp thêm thực phẩm cho bữa ăn của trò.

Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý hướng dẫn học sinh cách chăm bón rau xanh.
Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý hướng dẫn học sinh cách chăm bón rau xanh.

Đây cũng là phòng thí nghiệm khổng lồ mà hầu hết HS đều muốn tới để thực hành kiến thức được học và “ngắm” thành quả của mình.

Rèn luyện tính chuyên cần

Bước vào năm học mới, thầy trò Trường PTDTBT THCS Trung Lý lại bắt tay vào tăng gia sản xuất trồng rau xanh, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn bán trú. Thầy  Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Với ý tưởng rèn luyện tính chuyên cần cho HS, đồng thời cải thiện bữa ăn cho các em, Ban giám hiệu đã xây dựng phong trao trồng rau xanh và chăn nuôi lợn, để cung cấp thực phẩm cho nhà bếp.

Do địa hình khuôn viên của nhà trường không bằng phẳng, nên mỗi lớp được chia một mảnh vườn nhỏ ở khuôn viên trường. Mỗi buổi chiều, sau giờ lên lớp, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm hướng dẫn HS vun trồng, chăm sóc phần rau xanh của lớp mình, để nhập cho nhà bếp nấu ăn.

“Các loại rau được trồng theo mùa và buổi sáng – chiều, thầy trò của lớp lại thu hoạch rau xanh, nhập cho nhà bếp. Năm học 2020 - 2021, sau khi kết thúc năm học, có lớp thu được hơn 10 triệu đồng tiền rau. Số tiền ấy, lớp làm quỹ hoạt động, chi tiền thưởng, mua sắm quà Tết... cho các em”, thầy Thủy chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Mạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C, cho hay: Thời điểm này là mùa trồng rau cải. Khí hậu phù hợp với loại rau này nên phát triển rất nhanh. Nguồn nước để tưới rau, được nhà trường hỗ trợ nối đường ống dẫn về tận vườn. Cứ mỗi buổi chiều, lớp lại phân công một số em xuống vườn tưới rau. Sáng hôm sau, thể dục buổi sáng xong, trước giờ lên lớp, thầy và trò tranh thủ xuống hái rau đem lên cân cho nhà bếp.

Em Giàng A Tồng (học sinh lớp 7C) nhà ở bản Cánh Cộng (Trung Lý) cách trường 40km, vì thế em phải ở lại trường để học. Giàng A Tồng cho biết: “Thầy, cô giáo là người hướng dẫn cách chăm sóc, tưới rau. Hàng ngày, sau buổi học trên lớp, chúng em lại chia nhau tranh thủ đi chăm sóc rau xanh, thái chuối cho lợn ăn. Mùa nào trồng rau ấy, vì thế bữa cơm hàng ngày đều có rau sạch để ăn”.

Học sinh mang rau đi nhập cho nhà bếp của trường.
Học sinh mang rau đi nhập cho nhà bếp của trường.

Thầy, trò cùng nỗ lực vượt khó

Trường PTDTBT THCS Trung Lý nằm trên một sườn đồi tại bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Đợt mưa lũ hồi đầu tháng 9/2018, nhà trường bị hư hỏng một dãy nhà bán trú, gồm: 5 phòng lắp ghép; sập đổ 8 phòng vệ sinh dành cho học sinh, sập 1 nhà bếp phục vụ nấu ăn bán trú và bị sụt lún, lở đất nhiều nơi ở xung quanh khuôn viên nhà trường.

Sau đợt mưa lũ gây ra, vừa qua nhà trường đã được tài trợ xây dựng dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng  đầu tư, xây dựng nhà bán trú cho học sinh, gồm: 15 phòng lắp ghép và 10 phòng ở xây kiên cố. Hệ thống bờ kè chống sạt lở đã được xây dựng. Nhà trường đang chuẩn bị được đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ.

Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 504 học sinh. Trong số 435 em hưởng chế độ bán trú có 427 em ở lại ký túc xá của trường. HS đông nhưng nhà trường chỉ có 23 cán bộ, giáo viên và nhân viên. “Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đang là vấn đề nan giải. Nhà trường có 13 lớp, nhưng hiện tại mới chỉ có 16 giáo viên đứng lớp. Nếu tính theo Quyết định 3185/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường hiện tại đang thiếu tới 10 giáo viên”, thầy Thủy thông tin.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song thầy, trò Trường PTDTBT THCS Trung Lý đã nỗ lực vươn lên để dạy và học thật tốt cũng như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Theo thầy Nguyễn Duy Thủy, diện tích đất trồng rau sạch của nhà trường có khoảng vài trăm mét vuông. Do đó, mỗi năm học, nhà trường gần như chủ động được nguồn rau xanh, sạch trong khoảng hơn 7 tháng.

“Với cách làm này, mỗi năm nhà trường thu được một khoản tiền bán lợn, rau cho nhà bếp. Số tiền đó được tái đầu tư mua lợn giống, rau. Đồng thời, dành quỹ để trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, hay tổng kết năm học tổ chức liên hoan, mua quà cho HS, nhằm động viên các em vươn lên trong học tập”, thầy Thủy cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.