“Điểm sáng” trường vùng ven
Trường THPT Trung An nằm ở huyện vùng ven của TP Cần Thơ. Trước đây, nhà trường còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, bằng nhiều nguồn lực, trường đã trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục TP Cần Thơ. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hoạt động trải nghiệm của thầy trò nhà trường thông qua hoạt động chăm sóc vườn rau, vườn hoa và hoạt động “Chúng em là kỹ sư nông nghiệp”.
Với lợi thế diện tích rộng nên nhà trường hướng học sinh đến hoạt động trồng cây, rau. Theo lãnh đạo trường, những hoạt động này gần gũi với các em học sinh vùng nông thôn, được sự đồng thuận rất lớn từ phụ huynh và nhất là không tốn nhiều kinh phí. Từ các hoạt động này tạo sự gắn kết giữa thầy và trò, trò với trò nhiều hơn, sâu sắc hơn.
Trường THPT Trung An lập kế hoạch hoạt động trải nghiệm cụ thể cho từng năm học. Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để tạo sự đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh, trường mời Ban Đại diện cha mẹ học sinh họp để triển khai kế hoạch hoạt động trải nghiệm. Kết quả sau cuộc họp, trường nhận được sự tài trợ kinh phí tại chỗ từ các mạnh thường quân và doanh nghiệp tư nhân nằm trong ban đại diện để tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mua chậu, giống chuẩn bị cho hoạt động trải nghiệm trồng trọt của trường”.
Các lớp sẽ được nhà trường trang bị chậu và giống, hệ thống tưới nước, riêng phần đất và phân bón các lớp tự tìm kiếm. Trong quá trình trồng không được sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Trường hợp sử dụng phân và thuốc hóa học phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Để khích lệ tinh thần, nhà trường sẽ khen thưởng cho các lớp đứng nhất, nhì, ba của các khối tính trên tổng số kg rau, củ thu hoạch.
Đồng hành với nhà trường là đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Tất cả quyết tâm “thay da đổi thịt” ngôi trường ở vùng sâu, ngoại thành thành phố. Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động giáo dục đã xuống cấp, điểm tuyển đầu vào thấp, nhưng Trường THPT Trung An đang cố gắng khắc phục khó khăn, chỉnh trang quang cảnh để làm sao “trường cũ mà không xấu”, từng bước nâng cao chất lượng tất cả các hoạt động giáo dục, tạo môi trường thân thiện để học sinh học tập và vui chơi trong sự yên lành, hạnh phúc đúng nghĩa với tên gọi Trung An.
Khuôn viên xanh mát của Trường THPT Trung An. Ảnh: T.G |
Những quả ngọt
Hiện tại, các sản phẩm trải nghiệm của học sinh phát triển rất tốt, đặc biệt là bắp cải. Sau một thời gian lao động thú vị, thành quả đã có, các em cùng nhau thu hoạch trong tâm trạng phấn khởi, vui tươi.
Sau hai năm thực hiện, trường đã bán được 3 đợt với số tiền hơn 25 triệu đồng và gửi tặng cho các vị khách quý để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, trường trồng được 1.000 chậu hoa vạn thọ dịp Tết Nguyên đán, vừa để bán vừa tạo cảnh quan, giúp học sinh khối 12 có một khu vườn hoa để chụp ảnh kỷ yếu. Các hoạt động này được đánh giá cao, có sức lan tỏa tốt, giáo dục học sinh lòng yêu quý lao động, đoàn kết tương trợ lẫn nhau và nhiều kỹ năng sống khác.
Theo thầy Lê Văn Dũng, qua các hoạt động trải nghiệm, nhiều học sinh đã gần gũi với thầy cô, thầy cô cũng thân thiện với học trò hơn. Nhiều giáo viên và học sinh tranh thủ giờ ra về ghé qua khu trải nghiệm để chăm sóc, bắt sâu tưới nước cho sản phẩm của lớp mình, từ đó tình thầy trò thêm thắm thiết, tình bạn bè thêm thắt chặt.
Từ nguồn kinh phí thu được, ngoài việc đầu tư tiếp theo, một phần trường trích cho các em học sinh để bổ sung cho hoạt động làm từ thiện như tặng quà Tết cho người già neo đơn huyện Cờ Đỏ; Tặng quà cho người khó khăn cơ nhỡ, hỗ trợ học sinh nghèo… Các hoạt động này đã hình thành một nét văn hóa đẹp, tạo nên sự đồng cảm và sẻ chia trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
Hoạt động chăm sóc vườn rau của thầy và trò Trường THPT Trung An cho thấy tinh thần lao động tập thể và trách nhiệm trong công việc của từng thành viên. Đây chính là những giờ học ngoại khóa hết sức bổ ích, giúp học sinh có cơ hội ôn tập lại kiến thức các môn khoa học tự nhiên, đồng thời biết cách làm việc nhóm, phối hợp chia sẻ công việc với tập thể. Thành quả của các em thu được không chỉ là sản phẩm tươi ngon do chính bàn tay mình tạo được mà còn đúc kết nhiều bài học quý báu, thông qua hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế.
Thầy Lê Văn Dũng