Vườn đào chiều cuối năm

GD&TĐ - Tôi dừng lâu hơn trước bài thơ Vườn đào chiều cuối năm, khi đọc tập thơ Chuông gió ngoài hiên mà nhà thơ đồng hương Hoàng Liên Sơn gửi tặng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Hai người một xe máy

Thoáng va nhau đường nhỏ chênh vênh.

Chiều cuối năm

Hoa e ấp hơn, chúm chím như chào.

Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào

Bám hờ trên áo.

Không chỉ mùi thơm của tóc

Hương đào xuân đang ở quá gần.

Em vui với ánh nhìn ấm áp

Tha thiết nồng nàn xin hướng đến hoa kia.

Lối đi nào có dốc đâu

Anh chìa tay thì em nắm lấy

Đất mịn nên không đau dù da mỏng chân trần. 

Đừng chê nhé sự khiêm nhường lạch nước và doi cát

Muốn cảnh huy hoàng hơn nhưng nắng tắt mất rồi.

Mai này

Khi mùa đào đi qua

Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại

Anh có về phủi bụi áo ai không?

Hoàng Liên Sơn

(In trong tập thơ Chuông gió ngoài hiên - NXB Hội Nhà văn, năm 2015)

Lời bình của Hà Phi Phượng

Vì sao vậy? Với tôi, thời gian “chiều cuối năm” thật nhiều dư vị. Nó lập tức gợi nhớ những gì ấm cúng, tất bật của ngày áp Tết. Không gian “vườn đào” cũng thật cuốn hút. Nó gợi vẻ tươi tắn và sức sống của mùa xuân đang về. Nhưng, để đọc lại nhiều lần như nhâm nhi một tách trà thơm, ngắm một bức tranh trang nhã, thì chính là bởi cảnh và tình của thơ, duyên câu chữ của thi sĩ đã níu giữ:

Hai người một xe máy

Thoáng va nhau đường nhỏ chênh vênh.

Đọc hai câu thơ, tôi hình dung ra cảnh “hai người” cũng như bao nhiêu người khác nhộn nhịp tới vườn đào để ngắm hoa, để chọn mua cây, cành đào ưng ý nhất chơi Tết. Ở đây, đôi nam nữ tình cờ hay hữu ý đi “một xe máy”, để rồi “thoáng va nhau”? Câu thơ “vào bài” thật tự nhiên mà hé mở những ý vị.

Trong khung cảnh làm nền: “Hoa e ấp hơn, chúm chím như chào”, những câu thơ tiếp theo điểm xuyết, nhấn nhá một vài hành động, cảm xúc của đôi nam nữ:

Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào

Bám hờ trên áo.

Không chỉ mùi thơm của tóc

Hương đào xuân đang ở quá gần.

Ồ, lạ chưa. Chỉ có “một cánh nhỏ hoa đào/Bám hờ trên áo” của “em” mà “Anh phủi giúp rất lâu!”. Quả thật, thi sĩ đã dụng công chọn lựa những chi tiết rất nhỏ mà nhiều sức gợi cảm.

Biết mấy trìu mến ân cần của “anh” ẩn trong cử chỉ tưởng như nhỏ bé vô tư – không đáng kể. Để rồi khoảng cách của “anh” và “em” được gần lại. Hương thơm của tóc, hương thơm hoa đào hòa quyện, quyến rũ, dẫn dụ. Những yêu thương được xao xuyến ngân rung. Và sau đó, hành động “nắm tay” như là lẽ đương nhiên vậy:

Lối đi nào có dốc đâu

Anh chìa tay thì em nắm lấy

Đất mịn nên không đau dù da mỏng chân trần.

Những câu thơ giản dị mà tinh tế. Hành động “chìa tay - nắm lấy” chẳng phải vì cần sự giúp đỡ về thể chất, mà là nhu cầu xúc chạm để trao truyền hơi ấm, niềm trìu mến cho nhau.

Nhưng sao lại không phải là “Anh chìa tay cho em nắm lấy”? Có lẽ, cách diễn đạt này bình thường quá, không chứa đựng được sắc thái cảm xúc “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nhưng câu thơ “Anh chìa tay thì em nắm lấy” lại khác.

Nó ngầm cho biết, rằng giữa hai người còn đó sự e ngại, rằng tình thương mến vừa chớm hé. Đọc câu thơ, nghe như có sự thanh minh của cô gái: Em nắm tay anh là do anh chìa tay đấy nhé, chứ em không chủ động gần gũi vậy. Một lí lẽ rất dễ thương!

Khung cảnh thiên nhiên đẹp với hoa đào chúm chím, hương đào thơm ngát và người trai thì ân cần tinh tế, khiến cô gái ấm áp vui. Nhưng mà, lúc này, cô không muốn anh để cảm xúc tha thiết nồng nàn bộc lộ.

Cô đề nghị: “Tha thiết nồng nàn xin hướng đến hoa kia”. Có thể, cô muốn đợi đến mùa xuân, để tình yêu đủ tròn đầy? Dù tôi đoán chắc, trong trái tim cô, đang rộn ràng nhịp đập của niềm mến yêu, hạnh phúc!

Kết thúc bài thơ là một câu hỏi:

Mai này

Khi mùa đào đi qua

Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại

Anh có về phủi bụi áo ai không?

Phái nữ là thế, khi vui trong tình yêu cũng thường có ít nhiều dự cảm âu lo niềm yêu mến ấy rồi sẽ “đi qua”, sẽ phai nhạt. Phấp phỏng đó của cô gái trở nên rõ ràng hơn khi hai người rời vườn đào - cũng là chia tay nhau trong thời khắc năm cũ sắp hết.

Nhưng, phấp phỏng mà không nguôi hi vọng và tin tưởng, bởi trong tiềm thức, họ đã sẵn cài đặt hình ảnh của “thỏi socola” hạnh phúc ngọt ngào!

Nếu đơn cử câu thơ đặc sắc trong bài, tôi sẽ chọn câu “Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại”.

Bởi vì sự liên tưởng của thi sĩ đẹp quá! Ngỡ như chính tôi đang đứng trước không gian chiều kích rộng lớn của châu thổ sông Hồng, ngắm dải đất phù sa màu mỡ dưỡng nuôi hàng ngàn loài thực - động vật và ngàn đời cư dân.

Trên dải socola vĩ đại ấy, có những chiều cuối năm ấm áp, có những mùa đào hé nụ và bung nở tươi thắm, có những rung động xao xuyến dịu ngọt của tình yêu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.