Vườn Chuối: Di chỉ thời Hùng Vương có một không hai giữa Thủ đô

GD&TĐ - Sở VH&TT Hà Nội vừa đề xuất thành phố phương án bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện năm 1969 và đã trải qua hàng chục đợt khai quật.
Di chỉ Vườn Chuối được phát hiện năm 1969 và đã trải qua hàng chục đợt khai quật.

Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ thuộc xã Kim Chung (Hoài Đức – Hà Nội). Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Vườn Chuối là di chỉ thời Hùng Vương siêu quý hiếm do chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn.

Thời đại Hùng Vương trên đất Hà Nội

Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969, có tổng diện tích phân bổ di tích gần 12.000m2. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy.

Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có hàng chục cuộc khai quật. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.

Năm 2020, sau hơn một tháng tiến hành đợt khai quật khảo cổ học lần thứ 10, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn và cho hy vọng sẽ tìm thấy thêm hiện vật thuộc các giai đoạn sớm hơn như Gò Mun, Đồng Đậu.

Tại các hố khai quật H1 và H2, mỗi hố có diện tích 50m2, trên khu vực phía Đông gò Vườn Chuối đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng 1.800 đến 2.500 năm). Số lượng mảnh gốm được tìm thấy đã lên tới hàng vạn mảnh đang được phân loại, thống kê để tiếp tục nghiên cứu.

Cùng với số lượng lớn mảnh gốm còn tìm thấy những hiện vật đồng: Lưỡi câu và những mảnh của lò nấu đồng cỡ nhỏ, ngoài ra còn tìm thấy một số đồ trang sức bằng đá (mảnh vòng tay, hạt chuỗi).

Ở gần vách hố H1 đã xuất lộ dấu vết mộ cùng với đồ tùy táng bằng đá, gốm và đồng: Vòng tay, mảnh vò gốm, hai lưỡi rìu (hình) “gót chân” bằng đồng đặc trưng của thời Đông Sơn.

GS Lâm Mỹ Dung - Bảo tàng Nhân học (Đại học KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội), người theo dõi, chỉ đạo sát sao cuộc khai quật cho biết: Các nhà khảo cổ học đã thực hiện phương pháp “khai quật bảo tồn”, đào và giữ để bộc lộ các tầng văn hóa theo diễn trình phát triển.

Mặc dù rất có giá trị đối với lĩnh vực khảo cổ, nhưng từ năm 2019, di chỉ quan trọng này phải đối mặt với nguy cơ bị san phẳng do công trình xây dựng đường vành đai 3, 5.

Trong năm 2019, Hà Nội đã phải đề nghị các đơn vị chủ đầu tư xây dựng và khu đô thị Thăng Long 9 trong quá trình thi công nếu phát hiện di vật thì phải tạm ngừng thi công và thông báo cho cơ quan chức năng.

Cầu vượt bắc ngang di chỉ?

Theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ năm 2019, các di tích thời đại Hùng Vương đang mất đi nhanh chóng. Năm 2000 vẫn còn trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, đến năm 2019, 50% di tích này đã mất. Riêng ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương, tiền Hùng Vương mất tới 90%, hay gần như bị phá hủy hoàn toàn. 

Để đảm bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Sở VH&TT vừa có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội phương án bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Theo đó, hai phương án bảo tồn di chỉ được đề xuất. Thứ nhất là thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2); đưa khu vực này vào danh mục di tích của thành phố.

Theo đề xuất này, xây dựng các bước tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía Tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố.

Phương án thứ 2 là thực hiện nghiên cứu bảo tồn toàn bộ diện tích khu vực phía Tây khu di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2) giống như ở khu vực phía Đông, nhằm bảo tồn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 12.000m2).

Đưa toàn bộ khu vực di chỉ vào danh mục di tích của thành phố, tiến hành các bước để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời làm hồ sơ xếp hạng, tiếp tục khai quật khảo cổ, xây dựng các công trình văn hóa phụ trợ...

Theo phương án này, thì tuyến đường vành đai 3, 5 - đoạn qua khu vực di chỉ sẽ được nghiên cứu làm cầu vượt.

Mặc dù đưa ra 2 phương án, nhưng Sở VH&TT Hà Nội đề xuất nghiên cứu, bảo tồn khu di chỉ theo phương án thứ nhất. Lý do được đưa ra là đảm bảo sự hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích, vừa phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Theo Sở VH&TT Hà Nội, nửa phía Đông khu di chỉ mang những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho toàn bộ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Hiện, khu vực này vẫn còn ẩn tàng, lưu trữ nhiều di tích, di vật có giá trị để phục vụ việc nghiên cứu và phát huy giá trị di tích.

Việc thực hiện khai quật di dời đối với nửa phía Tây đảm bảo tối đa việc thu thập những di tích, di vật hiện tồn tại ở khu vực này và không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5 của thành phố.

Phương án 2 đảm bảo việc bảo tồn toàn bộ diện tích của khu di chỉ, nhưng hạn chế trong việc xây dựng tuyến đường vành đai 3, 5.

Trước khi gửi đề xuất lên UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT đã giao Ban Quản lý di tích danh thắng phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ. Khu vực tiến hành là nửa phía Đông trong năm 2020 - 2021, với tổng diện tích khai quật là 150m2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ