Di chỉ Vườn Chuối: Tiếng vọng văn hóa thời Hùng Vương

Một hố khai quật ở di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Fanpage di chỉ Vườn Chuối.
Một hố khai quật ở di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Fanpage di chỉ Vườn Chuối.

Văn hóa ngàn năm

Minh chứng về sự hiện diện của văn hóa Hùng Vương tại Hà Nội, cùng với các cụm di chỉ khảo cổ ở Cổ Loa, Lương Quy (Đông Anh), Thủy Trú (Phú Xuyên)..., các nhà nghiên cứu khảo cổ học còn luôn lấy cụm di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) là một dẫn chứng quan trọng.

Cũng vì, cụm di chỉ khảo cổ trải rộng ước khoảng 12.000m2 này đang “ôm chứa” biết bao câu chuyện thuộc thời tiền sử và sơ sử của người Việt cổ ở miền Bắc.

Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và tiến hành nghiên cứu cách đây 50 năm (năm 1969). Đã có 9 cuộc thăm dò - khai quật nghiên cứu (tổng diện tích khoảng 799m2) tại các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Cây Muỗng, Chùa Gio, Mỏ Phượng, Chiền Vậy.

Ở 8 đợt thăm dò - khai quật được thực hiện từ năm 1969 - 2018, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều hiện vật được làm bằng các chất liệu đá, đồng, xương, gốm có niên đại cách đây từ khoảng 3.000 - 3.500 năm.

Cùng với đó, nhiều loại hình di tích, tiêu biểu là nền nhà đắp bằng sét vàng, lò nấu đồng, gạo hóa than, hố hành lễ... Đặc biệt, đợt thăm dò - khai quật năm 2009 đã phát hiện 2 di tích mộ cổ được xác định thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại chừng 2.000 năm. Trong 2 di tích mộ cổ đó, có một mộ hung táng chôn theo một số đồ tùy táng như: Nồi gốm, rìu đồng, mũi tên đồng.

Còn ở đợt thăm dò - khai quật gần đây nhất do Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện từ tháng 4 - 10/ 2019 và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện nhiều mộ táng giai đoạn văn hóa Đông Sơn - 15 mộ.

Trong đó có 13 mộ huyệt đất và 2 mộ quan tài gốm. 13 mộ huyệt đất đều là mộ chôn nằm thẳng, trong đó xuất hiện đồ tùy táng gồm đồ đồng, gốm ở 5 mộ. Mộ quan tài gốm gồm hai mộ nồi vò.

Cùng với đó, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như hố đất đen, khu bếp đun nấu, hố chân cột, vết tích lò nấu đồng, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc... thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn.

1.000 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức, gồm: Rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới, mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi...; khoảng 40 hiện vật đồ đồng, gồm: Rìu, dao, kim, lưỡi câu… cùng khoảng 300 viên xỉ đồng li ti; nhiều mảnh gốm thuộc các loại hình nồi, vỏ, bát… thuộc các giai đoạn từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và muộn hơn cũng hiển hiện trong các hố khai quật.

Hoặc như, nhiều mảnh tre, gỗ, trong đó có nhiều mảnh có vết chặt, đẽo, gọt, cùng với xương răng động vật, chủ yếu là trâu bò và một ít mảnh vỏ ốc cũng được tìm thấy.

Sao chưa có hồi đáp?

Từ những phát hiện và thu thập hiện vật qua 9 lần thăm dò - khai quật trong suốt nửa thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đều xác định cụm di chỉ Vườn Chuối là một phức hệ di chỉ cư trú kết hợp mộ táng.

Ở đây tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn đồng thời đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội, cách đây ít nhất từ – 2.000 – 3.500 năm.

Có thể thấy, những loại hình di tích, di vật thu được ở cụm di chỉ Vườn Chuối đã cho chúng ta một phác thảo về đời sống, xã hội con người thời tiền sử và sơ sử của người Việt cổ phía Bắc.

Đó là việc cư trú, triển khai các hoạt động sống thường nhật khá phong phú. Cùng với nghề nông, trồng lúa nước, chài lưới..., khi đó cũng đã xuất hiện các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, gốm, gỗ, đan lát thậm chí cả dệt vải... Hay như kỹ thuật chế tác cũng khá tinh xảo với những dấu vết của vòng tay, hạt chuỗi, bôn, rìu...

Riêng với các mộ táng, từ việc thu được một số tư liệu vật chất quan trọng, các nhà khoa học đều nhận xét những hiện vật đó còn ở tình trạng tốt, có thể đủ điều kiện làm ADN, xác định niên đại.

“Các mộ táng Đông Sơn minh chứng cho sự phân chia giai cấp cũng như văn hóa tâm linh của thời đại kim khí ở cư dân sơ sử Thủ đô. Việc tìm ra những tầng văn hóa mới, liên tục là một trong những minh chứng cho sự phát triển, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở Thủ đô Hà Nội và phía Bắc Việt Nam” – GS.TS Lâm Mỹ Dung – Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), người có tới 8/9 lần tham gia thăm dò - khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối nhấn mạnh.

Cụm di chỉ Vườn Chuối mang “trong mình” biết bao giá trị văn hóa thời Hùng Vương đặc biệt tiêu biểu và quan trọng như thế nhưng lạ thay đến giờ vẫn chưa được xếp hạng di tích, thậm chí đã bao phen còn bị “đe dọa” xóa sổ.

Thực ra, từ hàng chục năm qua, giới nghiên cứu đã tích cực “gõ cửa” tới các cơ quan chức năng cần thiết đề nghị bảo tồn và phát huy cụm di chỉ Vườn Chuối.

Điển hình như PGS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã từng viết thư ngỏ gửi lãnh đạo TP Hà Nội, trong đó khẩn cầu sự quan tâm và có kế hoạch, biện pháp “hỏa tốc” bảo vệ khu di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng này.

Phải đến giữa năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức cho phép khai quật cụm di chỉ Vườn Chuối để từ đó thu thập hồ sơ tổng quát để “đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn”.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi mới đây, cả cụm di tích này tiếp tục phải chịu sự xâm hại của những máy ủi, máy xúc của đơn vị thi công đường vành đai 3.5 san gần như phẳng khu vực gò Dền Rắn (san 90%) và gò Mỏ Phượng (san 50%).

Thực là xót lòng khi giờ đây thêm một lần nữa cụm di chỉ Vườn Chuối vẫn chỉ là tiếng vọng tiền nhân mà chưa có được lời hồi đáp của hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ