So với đợt 1, số lượng thí sinh dự thi đợt 2 rất ít. Ở các tỉnh phía Nam, nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đa số thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt này đã có nguyện vọng xét đặc cách tốt nghiệp, chỉ một số ít tham gia vì muốn dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mong muốn.
Tuy số lượng thí sinh ít nhưng các tỉnh, thành nơi diễn ra kỳ thi đều hết sức nỗ lực trong công tác tổ chức. Bởi đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, không chỉ có mục tiêu như đợt 1 mà còn có thêm mục tiêu là công bằng và cân bằng giữa 2 đợt thi.
Với tinh thần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn trên mọi phương diện cho cả giáo viên và học sinh, nhất là công tác phòng chống Covid-19, các khâu, từ in sao đến vận chuyển, bàn giao đề thi, tổ chức thi… được các tỉnh tiến hành chu đáo. Công tác bảo đảm an toàn, nhất là an toàn dịch bệnh được thiết lập ở trạng thái cao nhất. Không chỉ tổ chức phòng thi dự phòng, giãn cách, thực hiện 5K nghiêm túc, nhiều Sở GD&ĐT còn phối hợp với Sở Y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tất cả thí sinh, cán bộ tham gia thi trong ngày đầu tiên dự thi và cả sau thi.
Thí sinh thi đợt 2 chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện ôn tập, đi lại, áp lực về tâm lý, vì thế công tác hỗ trợ thí sinh cũng đã được các địa phương đặc biệt quan tâm. Không chỉ ôn thi miễn phí cho thí sinh, Trường THPT Trần Văn Thành, An Giang còn hỗ trợ suất cơm trưa, bố trí nơi nghỉ trưa cho học sinh có nhu cầu; miễn phí nước đóng chai cho thí sinh trong các ngày thi; phát học bổng cho học sinh nghèo dự thi. Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hỗ trợ tất cả cán bộ coi thi và thí sinh, kể cả thí sinh huyện khác đến dự thi được ăn uống ngay tại điểm thi trong 2 ngày thi để các em an tâm, bảo đảm sức khỏe.
Ở Tiền Giang, tất cả thí sinh và những người tham gia công tác tổ chức thi thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ” - ăn, nghỉ, thi tại điểm thi - từ ngày làm thủ tục đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng. Là tỉnh có đông thí sinh dự thi, trong đó có thí sinh của nhiều địa phương khác, Bắc Giang ngoài lo cho học trò tỉnh nhà, còn chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh ngoại tỉnh.
Không chỉ phối hợp tổ chức đưa đón thí sinh an toàn, tỉnh còn bố trí cho thí sinh ngoại tỉnh được xét nghiệm và nghỉ ngơi tại các khách sạn trên địa bàn. Ở Phú Yên, các trường THPT có thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 đều phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh bố trí xe đưa đón, nhất là những học sinh ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số…
Sự chặt chẽ, cẩn trọng, nhân văn trong công tác tổ chức, nhất quyết không để bất cứ thí sinh nào bị bỏ lại phía sau của các địa phương đã mang đến niềm tin cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.
Trong buổi làm thủ tục dự thi hôm 5/8, đông đảo thí sinh, phụ huynh đều bày tỏ niềm cảm kích vì chính quyền và ngành Giáo dục đã giúp thí sinh yên tâm thực hiện nguyện vọng trong bối cảnh rất đặc biệt.
“Em mong muốn dự thi để ứng thí vào một trường quân đội, nơi gần như chỉ xét tuyển bằng điểm thi, nên rất lo lắng nguyện vọng mình không đạt được, nếu tỉnh không tổ chức thi. Rất may lãnh đạo Bộ GD&ĐT và địa phương, thầy cô đã quan tâm tới ước nguyện của từng thí sinh, không để em mất cơ hội. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, chính quyền và ngành Giáo dục đã rất vất vả để bảo đảm an toàn cho kỳ thi, nhiệm vụ của em và các bạn là phải thi cho tốt!”, một thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Thống Nhất (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chia sẻ.