Vững tin

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục ngày càng phản ứng nhanh và chủ động sau những đợt ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Còn nhớ đầu năm 2020, khi lần đầu tiên thế giới biết đến bệnh dịch này, quyết định cho học sinh dừng đến trường, rồi tiếp tục mở cửa trường học trở lại làm đau đầu các nhà quản lý. Việc ứng phó với dịch, chuyển trạng thái dạy và học không tránh khỏi bỡ ngỡ, bị động. Bộ GD&ĐT đã 2 lần lùi thời gian kết thúc năm học. Phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” được ngành Giáo dục đưa ra trong giai đoạn này với hướng dẫn kịp thời về triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình.

Mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục không mới, nhưng dạy học trực tuyến được triển khai đồng loạt trên quy mô cả nước là việc chưa từng có tiền lệ. Và dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ dạy học thế giới khi đạt tỷ lệ học sinh được học trực tuyến cao hơn mức trung bình của các nước OECD.

Nếu nói đến việc nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới, ngành Giáo dục là dẫn chứng sinh động. Điều này thể hiện ở việc, mỗi cơ sở giáo dục dù trong hoàn cảnh bình thường vẫn cảnh giác phòng dịch và luôn sẵn sàng phương án, kế hoạch dạy học khi dịch bệnh quay trở lại. Kế hoạch dạy học trực tuyến của nhiều cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh được ôn tập, học kiến thức mới mà còn đặt mục tiêu rèn luyện năng lực tự học, tự chủ; giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh.

Như vậy, khi dịch bệnh bùng phát, học sinh phải tạm dừng đến trường, hoạt động dạy học ngay lập tức chuyển trạng thái một cách trơn tru, nhẹ nhàng. Thế nên, không ít trường, chiều 4/5 có thông tin tạm dừng đến trường, ngay tối đó, giáo viên đã gửi kế hoạch, thời khóa biểu để sẵn sàng học trực tuyến từ sáng 5/5. Việc học do đó không hề bị gián đoạn, dù là chỉ một ngày. Có lẽ, đây cũng là cơ sở để đại diện Bộ GD&ĐT tự tin khẳng định sẽ hoàn thành chương trình năm học đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học được Bộ GD&ĐT ban hành, trước ngày 31/5.

Để có được sự nhuần nhuyễn như trên là nhờ sự chuẩn bị, tích lũy ngày càng dày thêm sau mỗi đợt dịch; cả về tâm thế, kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ, hệ thống bài giảng, và đặc biệt là hành lang chính sách... Trong số đó, không thể không nói đến Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến này đã giao quyền tự chủ cao cho các trường. Trong đó, người đứng đầu được quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.

Một trong những nỗi lo của các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh khi phải tạm dừng đến trường là bài kiểm tra cuối kỳ chưa hoàn thành. Từ trước đến nay, bài kiểm tra này luôn được thực hiện trực tiếp trên lớp. Nhưng, chúng ta từng làm và thành công với việc “chưa có tiền lệ”.

Chưa kể, kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến đã được quy định và người đứng đầu nhà trường hoàn toàn có quyền quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến trường hợp bất khả kháng. Với sự linh hoạt, sáng tạo, tin rằng các địa phương, nhà trường sẽ có giải pháp khả thi; từ đó kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021 theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ