Bám bản, bám lớp dạy học
Vén màn sương sớm, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn lên núi, băng qua những con dốc dựng đứng, khúc cua vặt sườn, có khi vắt vẻo trên đỉnh núi như đang đi trên chín tầng mây… Mặt trời đứng bóng, giữa cái nắng gay gắt, chúng tôi mới đặt chân đến được Trường TH Cư Pui 2.
Ngôi trường nằm nép mình dưới chân núi Ea Lang thuộc thôn Ea Rớt.Trường có tổng cộng 170 học sinh và có 7 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đa số những thầy, cô giáo ở đây tuổi đời còn rất trẻ. Người lớn nhất năm nay 32 tuổi, người nhỏ mới 23 tuổi tròn. Dù mỗi người đến từ mỗi vùng miền khác nhau, nhưng họ về đây với một mục đích cao cả là “gieo” mầm con chữ ở nơi miền núi xa xôi hẻo lánh này.
Điểm trường thôn Ea Rớt có tất cả 4 phòng học, được dựng bằng phên gỗ. Nhiều chỗ đã bị mối mọt ăn mòn, làm hư hỏng. Đặt chân vào lớp 1C2 khi cô trò đang say mê tập đọc, những tiếng ê a vang vọng cả núi rừng. Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn những đôi chân trần đến lớp, đôi dép cũ kĩ sạm màu, quần áo lấm lem, nhếch nhác. Điều đó, giúp chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà các em học sinh nơi đây gánh chịu.
Như hiểu được ý nghĩ của chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Trang – giáo viên Trường TH Cư Pui 2 tiếp chuyện: “Học sinh ở đây tội nghiệp lắm! Cả năm đến lớp, hầu như mỗi em chỉ có một bộ đồ duy nhất. Có nhiều em không có đến nổi một đôi dép mà đi”. Năm nay, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Trang vừa bước qua tuổi 23. Vừa về đây công tác hơn một năm, trong cô chất chứa thật nhiều cảm xúc.
Cô thành thật tâm sự: “Điều kiện sinh hoạt khó khăn thiếu thốn, đã có lúc khiến tôi chùn bước. Nhưng nhờ có đồng nghiệp động viên, chia sẻ nên sau một tháng quen trường, quen lớp thì ý nghĩ đó trong đầu tôi tan biến từ lúc nào không biết. Thay vào đó, tôi muốn mình phải cố gắng hơn nữa, phấn đấu hơn nữa, để mong sao bù đắp lại những thiệt thòi của các em học sinh nơi đây”.
Cũng mang tâm trạng như cô Trang, cô giáo Đặng Thị Hoa chia sẻ: “Những ngày đầu về đây công tác, mọi thứ đều rất xa lạ, cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Đôi khi như thấy mình bị lạc lõng giữa rừng sâu thăm thẳm. Những lúc ấy, tôi muốn từ bỏ tất cả để về với phố xá thân quen, về với ngôi nhà mà ở đó ấm áp tình yêu thương của những người thân yêu nhất. Nhưng có lẽ, tình thương yêu đối với những học sinh nghèo khó nơi đây lớn hơn nhiều nên đã níu chân tôi trong suốt thời gian qua”.
Các giáo viên ở đây cho biết, điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cả thôn Ea Rớt không có lấy một quán tạp hóa, muốn có mắm muối, lương thực thì phải “gồng mình” xuống tận trung tâm xã để mua về. Cũng vì thế mà cứ đến cuối tuần các thầy, cô giáo tranh thủ thời gian xuống núi để mua sắm đồ ăn thức uống dùng cho cả tuần.
Cô Nguyễn Phương Thanh cho hay: Cứ mỗi lần xuống núi là một lần tra tấn thể xác, bởi đường ở đây quá xấu, nhiều đoạn quanh co hiểm trở. Mùa nắng thì có thể đi xe máy nhưng vào mùa mưa thì chỉ có cách duy nhất cuốc bộ. Mỗi lần như thế phải mất nửa ngày vào ra.
Khó khăn bủa vây là vậy, nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, những thầy giáo, cô giáo nơi đây đã động viên nhau bám bản, bám trường. Cô Mông Thị Hằng thật thà nói: “Chúng tôi cứ động viên nhau phải có duyên lắm mới được về bản nghèo, có sứ mệnh gieo chữ ở vùng sâu nên tất cả cùng phải cố gắng. Với ước muốn lớn nhất là các em được học tốt, học giỏi, không phải chịu cảnh bỏ học giữa chừng”.
Bất chấp gian khó, hết mình cống hiến
Thiếu phòng công vụ, 7 giáo viên ở cùng một căn nhà tập thể dựng bằng phên gỗ, mái lợp tôn có diện tích chưa đầy 40m2. Mùa nắng thì nóng bức, còn mùa mưa, gió sương lùa vào các khe hở lạnh thấu xương. Mọi sinh hoạt ở đây đều rất khó khăn, bất tiện. Chính điều đó khiến chúng tôi càng thêm cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên vùng cao. Dẫu cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn kề vai sát cánh cùng nhau trong sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ chí tình của tập thể, để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô giáo Võ Thị Lệ Quyên tâm sự: “Con đường phát triển của giáo dục huyện miền núi Krông Bông là hành trình của cuộc chiến đấu với “giặc dốt” của bao thế hệ đội ngũ cán bộ, giáo viên; là cuộc trường chinh của những thầy cô giáo từ miền xuôi mang ánh sáng văn hóa đến với tất cả các bản làng xa xôi.
Nơi đồng bào dân tộc Mông chỉ biết đến cái nương, cái rẫy, con em dân bản chưa hề biết đọc, biết viết. Bởi vậy, mỗi một giáo viên nơi đây đều có chung suy nghĩ “dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng một khi đã bước chân vào nghề thì nguyện cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng khó, dành hết tình thương yêu đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đáp lại sự hy sinh thầm lặng đó là tình cảm nồng ấm của bà con dân bản luôn dành cho những người giáo viên nơi đây. Ông Lò Tiến Dũng - Trưởng thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) xúc động nói: “Dân bản chúng tôi biết ơn các thầy cô giáo lắm! Nếu như không có sự nhiệt tình của những thầy cô giáo lặn lội lên đây dạy con chữ thì con em chúng tôi sẽ không biết đọc, được học cái chữ, không biết viết cái tên mình đâu.
Kể từ ngày có trường, có lớp, có người giáo viên, các thế hệ con em dân bản không chỉ đã đọc thông, viết thạo, mà có nhiều em học giỏi, ra huyện, xuống tỉnh học tập. Đặc biệt, quan trọng hơn cả là ý thức của bà con đã thay đổi, từ chỗ không cho con em đi học vì nghĩ có học cũng chẳng no cái bụng, nay chuyển sang động viên, ủng hộ cho con em mình đến trường học chữ. Tất cả những điều tốt đẹp này là nhờ công lớn của các thầy cô giáo”.