Những người giáo viên huyện biên giới Tây Giang gọi điểm trường Trường PTDT bán trú THCS và TH xã Ch’ơm là ngôi trường ốc đảo vì nằm ở địa bàn biệt lập, bởi nơi đây, ngoài người dân bản địa thì chỉ có dấu chân của những giáo viên và bộ đội biên phòng.
Vượt lên khó khăn, quyết tâm bám trụ
Điểm trường nằm nép mình ngay đầu thôn Chnóc là nơi học tập chung cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học. Điểm trường có tổng cộng 31 học sinh và 3 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đa số những thầy, cô giáo ở đây tuổi đời còn rất trẻ. Đặt chân vào lớp mẫu giáo khi cô trò đang say mê học tập, những tiếng ê a vang vọng cả núi rừng. Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn những đôi chân trần nhem nhuốc đến lớp, đôi dép cũ kĩ sạm màu, quần áo lấm lem, nhếch nhác. Điều đó, giúp chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà các em học sinh nơi đây gánh chịu.
Thôn Chnóc (xã biên giới Ch’ơm, huyện Tây Giang) có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Người dân tỏ ra rất mến khách, rất quý cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nhất là các giáo viên. Có lẽ vì thế mà rất thầy cô giáo lên đây cắm bản dạy học, rồi lập gia đình không muốn về. Các thầy cô thương trò, yêu vùng đất cực Tây thiêng liêng mà ở lại dạy cái chữ. Chẳng hạn như cô giáo trẻ A Vô Thị Ngôi (quê ở xã Bhlêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam) – giáo viên mầm non đã chọn cho mình một chàng trai trong bản để định cư ở đây.
Trò chuyện với chúng tôi, cô thành thật bày tỏ, cuộc sống người dân quê mình đã khó khăn, vất vả nhưng khi lên đây thấy cuộc sống của bà con dân bản còn nghèo khó hơn. Những đêm đầu tiên ở vùng đất lạ, giữa miền biên viễn xa xôi, cô không sao ngủ được với bao suy nghĩ giằng xé. Thế nhưng, khi đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt thơ ngây của những đứa trẻ nghèo khó, cô lại giữ quyết tâm “bám bản, bám làng” dạy học.
Cô tâm sự: “Những ngày đầu về đây công tác, mọi thứ đều rất xa lạ, cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Đôi khi như thấy mình bị lạc lõng giữa rừng sâu vô tận. Những lúc ấy, tôi muốn từ bỏ tất cả để về với ngôi nhà mà ở đó ấm áp tình yêu thương của những người thân yêu nhất. Nhưng có lẽ, tình thương yêu đối với những học sinh nghèo khó nơi đây lớn hơn nhiều nên đã níu chân tôi trong suốt thời gian qua”.
Còn thầy giáo Coor Bình – giáo viên Trường PTDT bán trú THCS và TH xã Ch’ơm là người có thâm niên dạy học ở điểm trường này, chia sẻ: Những ngày vào các điểm trường dạy học, những người giáo viên nơi đây gặp phải vô vàn khó khăn. Nhưng khó khăn lớn nhất của chúng tôi chính là những khó khăn, thiếu thốn của con em dân bản. Càng hiểu rõ sự thiệt thòi của các em, chúng tôi càng nỗ lực giảng dạy, chăm sóc các em. Niềm thương cảm, xót xa khi ngày ngày chứng kiến học trò của mình đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát… đã thôi thúc chúng tôi phải làm một điều gì đó dành riêng cho các em.
Niềm vui là khi các em được đến trường
Khó khăn bủa vây là vậy, nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, những thầy giáo, cô giáo nơi đây đã động viên nhau bám bản, bám trường. Thầy giáo Coor Bình giãi bày: “Chúng tôi cứ động viên nhau phải có duyên lắm mới được về bản nghèo, có sứ mệnh gieo chữ ở vùng sâu nên tất cả cùng phải cố gắng. Với ước muốn lớn nhất là các em được học tốt, học giỏi, không phải chịu cảnh bỏ học giữa chừng”.
Chính điều đó khiến chúng tôi càng thêm cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên vùng cao. Dẫu cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn kề vai sát cánh cùng nhau trong sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ chí tình của tập thể, để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kể từ ngày có trường, có lớp, có giáo viên cắm bản, các thế hệ con em dân bản không chỉ đã đọc thông, viết thạo, mà có nhiều em học giỏi, ra huyện, xuống tỉnh học tập.
Đáp lại sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên, bà con dân bản luôn dành cho họ những tình cảm chân thành, ấm áp. Bởi nói như lời tâm sự của thầy giáo Coor Bình lúc chia tay chúng tôi: “Con đường phát triển của giáo dục xã biên giới Ch’ơm là hành trình của cuộc chiến đấu với “giặc đói, giặc dốt” của bao thế hệ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng mỗi một giáo viên nơi đây đều có chung suy nghĩ “đã một khi bước chân vào nghề thì nguyện cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng khó, dành hết tình thương yêu đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số”.
Chiều biên giới, chạm tay vào cột mốc biên giới, trào dâng niềm tự hào chủ quyền dân tộc, tự hào về những con người đang sống, cống hiến ở vùng đất biên cương xa xôi này.