Nhìn “dịch” để đi chợ
Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) – nơi đang ghi nhận 39 ca F0, những ngày giáp Tết như khoác tấm áo mới, cờ hoa rực rỡ. Thương lái bắt đầu đổ về các tuyến đường, chợ trung tâm để bày bán đào, quất, cây cảnh, bánh mứt… Tuy nhiên, người bán nhiều hơn kẻ mua.
Anh Hoàng Văn Hưng, người buôn đào tại chợ Mường Thanh, cho biết: Mọi năm, anh chỉ cần tính toán thời tiết, thị trường, nhu cầu, nhưng Tết năm nay phải xem cả diễn biến dịch bệnh trước khi quyết định buôn bán loại cây nào, số lượng bao nhiêu, đối tượng khách hàng hướng tới là ai.
“Cứ trước Tết khoảng 1 - 2 tháng là tôi đã rục rịch chuẩn bị nhập hàng bán rồi. Năm nay, nghe ngóng càng gần Tết các ca F0 lại càng tăng, nên tôi phải tính toán. Sức mua chắc chắn sụt giảm, mà nhu cầu khách cũng thay đổi. Chủ yếu họ lựa chọn dịch vụ thuê cây, với giá thuê chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá trị cây để tiết kiệm chi phí. Vì thế tôi cũng không nhập nhiều, chỉ bằng 2/3 mọi năm”, anh Hưng nói.
Chỉ còn chục ngày nữa là đến Tết, song bà Vũ Thị Hoa, Tổ 1, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ vẫn chưa đi mua sắm. Bà Hoa chia sẻ, thông thường mọi năm vào thời điểm này gia đình bà đã đi mua đào, quất và hoa cảnh để trang trí trong nhà. Việc dọn dẹp, mua sắm thực phẩm Tết sẽ thực hiện vào khoảng 28, 29 âm lịch. Nhưng năm nay do phường có người F0 nên bà vẫn đang nghe ngóng tình hình.
“Tết thì vẫn phải có hoa, cây cảnh trang hoàng không gian nhà, nhưng năm nay tôi phải cân đối. Chỉ mua những loại có giá phải chăng và đặt ở vị trí không gian cần thiết chứ không thoải mái như mọi năm. Hiện nay, dịch vẫn phức tạp, tôi muốn chờ sát Tết xem thế nào mới quyết định mua sắm những gì và như thế nào”, bà Hoa cho hay.
Còn theo chị Nguyễn Thu Hiền, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) chia sẻ thì do gia đình đang ở cấp độ dịch 3 nên hạn chế đi đến nơi đông người. Việc đi chợ, mua sắm hàng ngày đều phải tính toán, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và tuyệt đối chấp hành 5K.
“Việc sắm Tết hiện nay tôi đã tính toán cơ bản, chủ yếu là đặt online thôi. Vì sát Tết việc giao hàng sẽ khó khăn và không bảo đảm nên các mặt hàng quần áo, một số loại bánh, mứt ngon, lạ tôi đã đặt sớm trên các sàn thương mại điện tử. Còn lại một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, giò, chả, đồ khô… thì tôi đặt qua Facebook của các cửa hàng địa phương, hoặc tranh thủ sát Tết đi chợ mua trực tiếp”, chị Hiền chia sẻ.
Nắm bắt tâm lý lo ngại dịch bệnh của khách hàng, nhiều tiểu thương đã chuyển sang đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, giới thiệu và “chốt đơn” trên “chợ” online. Theo chị Đinh Thanh Thiện - chủ cửa hàng tạp hoá tại phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), cách Tết chừng 1 tháng chị đã bắt đầu đăng thông tin có hàng Tết trên trang Facebook của mình.
“Tuy nhiên, tôi cũng không dám lấy hàng nhiều vì sợ không bán được. Hàng hóa đa phần cũng chỉ giá tầm trung, bình dân và hạn chế nhập hàng đắt tiền như mọi năm”, chị Thiện bộc bạch.
Sẵn sàng “4 tại chỗ”
Ngay từ những ngày đầu tháng 1, tổ Covid cộng đồng bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tất bật. Bởi đây là thời điểm các gia đình có người thân đi học, làm ăn xa “rục rịch” về quê đón Tết.
Ông Lò Văn Pâng, Trưởng bản cho biết: “Chúng tôi đến từng nhà rà soát, lập danh sách những người có ý định về địa phương ăn Tết thông qua gia đình họ. Đồng thời kết hợp tuyên truyền các gia đình nhắc nhở con em đến khai báo tại trạm y tế trước khi về nhà”.
Noong Nhai 1 có hơn 90 hộ, chia thành 5 cụm dân cư tương ứng với 5 nhóm Covid cộng đồng. Không chỉ rà soát, từng cụm, nhóm được giao nhiệm vụ cụ thể. Họ phối hợp với đảng viên chi bộ để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở và quản lý, giám sát việc cách ly tại nhà.
“Hiện, bản có 22 người đi học, làm ăn xa rải rác ở nhiều tỉnh. Gần nửa trong số đó hiện đã về và đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Do thường xuyên tuyên truyền nên mỗi công dân trước khi trở về đều thông tin với bản để được hướng dẫn các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh”.
Còn tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đang là địa phương cấp độ dịch 2. Hiện nay, xã có 3 ca nhiễm Covid-19 và 87 trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế, 114 F2 theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Theo bà Cầm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã, thì chính quyền địa phương đã thành lập tổ công nghệ gồm 5 thành viên. Nhiệm vụ là kiểm tra những trường hợp F1 đang thực hiện cách ly tại nhà qua mạng xã hội Zalo. Cán bộ phụ trách bản sẽ phối hợp với tổ Covid cộng đồng giám sát những người đang thực hiện cách ly tại nhà 2 lần/ngày.
Ngoài ra, theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 xã Chiềng Ban hiện có hơn 300 người đi học, làm ăn xa. Đến nay, còn gần 200 người chưa về địa phương. Đối với những trường hợp có nhu cầu về quê dịp Tết đều được yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, nếu trở về từ vùng dịch thì phải thực hiện cách ly tại nhà…
Tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) – nơi đang nghi nhận gần 100 F0, và 1 xã cấp độ 3 về dịch. Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: Huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần là tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hiện nay, 118 tổ tự quản cộng đồng địa phương đang phát huy cao độ vai trò và hiệu quả trong “4 tại chỗ” ứng phó dịch. Các tổ tự quản là nòng cốt trong điều tra, nắm bắt khoa học tên, số điện thoại, ngày dự kiến trở về của người dân tại thôn, bản mình. Trước, trong Tết sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đáp ứng thu dung điều trị 200 bệnh nhân Covid-19; sẵn sàng khu cách ly y tế tập trung với sức chứa 500 người. Nếu F0 vượt quá con số 200 đã có phương án trưng tập, mở rộng khu điều trị, cách ly, ngay cả trong Tết”, ông Hiệp cho hay.