Vùng đất trường thọ ở Azerbaijan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những khu vực có người sống lâu hơn mức trung bình của thế giới được gọi là 'Vùng xanh', luôn thu hút các nhà khoa học tìm đến nghiên cứu.

Lerik, vùng đất có nhiều người trường thọ.
Lerik, vùng đất có nhiều người trường thọ.

Tuy nhiên, có một số nơi nổi tiếng về tuổi thọ nhưng ít được biết đến. Điển hình là Lerik, thuộc dãy núi Talysh ở miền Nam Azerbaijan, có số người sống trên trăm tuổi rất cao, thậm chí còn có Bảo tàng Trường thọ duy nhất trên thế giới.

Người đàn ông thọ 168 tuổi?

Theo Azer Tag, hãng thông tấn nhà nước của Azerbaijan, có thời điểm Lerik là nơi sinh sống của hơn 500 người thọ trên trăm tuổi, chiếm khoảng 1% dân số nơi đây (khoảng 50 nghìn người).

Năm 1991, Lerik có dân số 63.000 người, trong đó hơn 200 người trên 100 tuổi. Sau đó, số người thượng thọ giảm dần, hiện nay, dân số của Lerik là 83.800 người, trong đó 11 người thọ trên 100 tuổi.

Số lượng người sống trăm tuổi giảm mạnh được cho là do các yếu tố liên quan đến cuộc sống hiện đại, chẳng hạn như ô nhiễm, thực phẩm chế biến sẵn và căng thẳng.

Tuy nhiên, danh tiếng của Lerik như một vùng đất trường thọ vẫn tồn tại qua lịch sử của nó, cùng những người trăm tuổi huyền thoại như Shirali Muslumov, đã đưa khu vực này nổi bật trên bản đồ thế giới.

Muslumov qua đời năm 1973 là một sự thật đã được ghi chép lại, nhưng việc ông tuyên bố sinh năm 1805, tức sống thọ 168 tuổi - hơn người đàn ông già nhất thế giới đã được xác minh 52 tuổi (Jiroemon Kimura, đến từ Nhật Bản, mất năm 2013, thọ 116 tuổi) và hơn người phụ nữ già nhất từng được biết đến 46 tuổi (Jeanne Calment, đến từ Pháp, mất năm 1997, thọ 122 tuổi) - vẫn còn là điều nghi vấn.

Muslumov từng cho biết, khi ông còn bé loài hổ Caspi (hiện đã tuyệt chủng) còn xuất hiện phổ biến ở dãy núi Talysh và tục bắt cóc cô dâu vẫn là một thông lệ. Khi ở tuổi 80, ông có một đứa con với người vợ thứ hai chỉ mới 36 tuổi. Tính tổng cộng, ông có đến 330 hậu duệ, kéo dài thành 5 thế hệ.

Anh trai của Muslumov, Mahmüd Eyvazov, được cho là đã sống đến 150 tuổi và vợ của ông, Gizil Guliyeva, sống đến 120 tuổi. Một trong những người con gái của Muslumov vẫn sống ở Lerik và thừa hưởng gen của ông, hiện đã 95 tuổi và rất khỏe mạnh. Bà thực sự đủ điều kiện là một trong những người “trăm tuổi” của khu vực, vì ở đây từ này dùng để chỉ những người sống trên 90 tuổi.

Người trường thọ Shirali Muslumov nổi tiếng quốc tế trong suốt cuộc đời của ông. Ông đã thu hút sự chú ý của bác sĩ Alexander Leaf thuộc Đại học Harvard, người đã đến thăm vùng này vào năm 1973 để tìm hiểu bí quyết sống lâu. Ông đã đọc hồ sơ về Muslumov nhưng đến quá muộn để gặp ông ta.

Đổi lại, ông được tiếp xúc với một nông dân dù đã 117 tuổi nhưng vẫn làm việc trên cánh đồng, một người chăn cừu 108 tuổi tuyên bố sống một cuộc sống không căng thẳng và một số người khác xác nhận dường như có điều gì đó đặc biệt ở vùng đất này.

Cụ Shirali Muslumov được nhiều người biết đến vì tuổi thọ cao.

Cụ Shirali Muslumov được nhiều người biết đến vì tuổi thọ cao.

Bảo tàng Trường thọ

Cha đẻ của cụm từ “Blue Zones” (Vùng xanh) là Dan Buettner, nhà báo, nhà thám hiểm người Mỹ, thuộc hệ thống truyền hình National Geographic. Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Địa lý quốc gia, ông bắt đầu tìm kiếm những địa điểm có nhiều người trên 100 tuổi và những nhóm người già mà không gặp các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim, béo phì, ung thư hoặc tiểu đường… Những “Vùng xanh” mà ông đề xuất gồm: Sardinia (Italy), Okinawa (Nhật Bản), Nicoya (Costa Rica), Ikaria (Hy Lạp), Loma Linda (Mỹ).

Thật không may, danh tiếng về trường thọ dường như đã gây hại cho Lerik nhiều hơn là có lợi. Khi khu vực miền núi này mở cửa với thế giới bên ngoài, nó cũng đồng thời du nhập những hào nhoáng vật chất đầy cám dỗ.

Mặc dù, các sản phẩm tươi sống, sản phẩm từ sữa và thịt nguồn gốc địa phương luôn có sẵn, nhưng chúng dần bị lu mờ bởi các thanh chocolate, đồ uống có đường và có cồn khác.

Không rõ liệu người dân Lerik có được tuổi thọ cao nhờ một điều duy nhất hay do sự kết hợp của nhiều yếu tố như cuộc sống thảnh thơi, không khí trong lành trên núi, chế độ ăn uống điều độ, thực phẩm tinh khiết, nhưng dường như có điều gì đó đã thay đổi trong những thập niên gần đây, mặc dù người dân ở đây vẫn cố gắng bám víu danh tiếng của họ.

Họ đã xây dựng một nơi để lưu giữ những gì liên quan đến cuộc sống yên bình ngày xưa. Đó là Bảo tàng Trường thọ.

Bảo tàng là một tòa nhà gạch nhỏ ở thị trấn Lerik, chứa đầy đồ tưởng niệm những người sống trăm tuổi trong vùng, từ Shirali Muslumov nổi tiếng, cho đến những người dân thường sống từ 90 tuổi trở lên. Hai hội trường của bảo tàng chứa hơn 2.000 hiện vật, bao gồm các bức ảnh và tài liệu liên quan đến nhiều người sống trăm tuổi.

Tại đây có biểu đồ tuổi thọ của từng cá nhân với các vật dụng gia đình tồn tại lâu đời, chẳng hạn như chiếc bàn là được dùng qua ba thế hệ. Có những chiếc rương chứa đầy khăn trùm đầu và áo sơ mi, bình và bát bằng bạc, những chiếc tất đan đẹp mắt cùng những tấm thảm nhuộm thủ công vẫn còn màu sắc rực rỡ dù đã cũ. Ngoài ra còn có những bức thư, được viết bằng cả tiếng Azerbaijan và tiếng Nga cũ đến mức mực đã phai dần.

Có lẽ những đặc điểm hấp dẫn nhất của bảo tàng là chân dung của những người sống trăm tuổi gắn đầy các bức tường. Những hình ảnh này, có từ những năm 1930, được tặng bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Frederic Lachop.

Theo Odditycentral

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ