Vùng đất khó của Thủ đô tìm cách vươn lên

GD&TĐ - Xã Ba Vì nổi tiếng với núi Ba Vì, nơi có nhiều đồng bào Dao sinh sống, gắn bó với nghề thuốc nam truyền thống. 

Vùng đất khó của Thủ đô tìm cách vươn lên

Tuy nhiên, nơi đây cũng nổi tiếng là xã nghèo nhất Hà Nội, với thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt ở mức 11 triệu đồng/năm. Để đưa người dân thoát nghèo hiện đang là bài toán đặt ra với các cấp chức năng của thành phố.

Nghịch lý đất rộng, dân thiếu ruộng

Người dân xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) sống dưới lưng sườn núi Ba Vì. Trời nắng như đổ lửa song nhìn xa những đỉnh núi bao bọc quanh đây lẩn khuất trong bồng bềnh mây trắng. Khung cảnh thơ mộng, hữu tình quyến rũ, nhưng khi đặt chân thăm những hộ nghèo ở thôn Hợp Sơn lòng chúng tôi bỗng thắt lại.

Ngôi nhà của anh Triệu Tiến Phát, sinh năm 1960 rộng chừng 20m2 được lợp bằng mái tôn, chung quanh che bằng tre nứa rất tạm bợ. Bốn con người gia đình anh sống trong căn nhà vá víu này, với hai chiếc giường cũ kỹ đặt sát cạnh bếp.

Chúng tôi hỏi, mùa mưa bão sắp đến căn nhà này sẽ chống đỡ ra sao? Anh buồn bã nói: “Biết làm sao, cứ mưa to gió lớn là vợ chồng lại tìm cây chống đỡ, giăng dây néo giữ nhà”.

Ruộng không có, vườn tược cũng chật hẹp không có đất để chăn nuôi, vợ chồng anh phải sang xã bên phụ hồ, chặt cây bương thuê kiếm sống.

Đứa con trai lớn của anh sinh năm 1996 học hết lớp 9 nay nghỉ học cũng sang thôn bên chăn dê thuê, mỗi tháng ông chủ trả 1,5 triệu đồng phụ giúp bố mẹ tiền đong gạo.

“Cực mấy vợ chồng tôi cũng chịu đựng được, song cứ nghĩ con trai nay đã lớn, tới tuổi xây dựng gia đình mà nhà cửa như vậy chúng tôi lo chẳng ai dám lấy” - Anh Phát nói.

Vợ chồng cần cù, chịu khó, nhưng như anh chia sẻ ngày công làm thuê chỉ may đủ ăn. Mong mỏi của vợ chồng anh là sớm thuê được ruộng đất, cố gắng làm lụng để sớm sửa sang lại ngôi nhà và dành tiền cho cô con gái út được ăn học tới nơi tới chốn.

Căn nhà của anh Triệu Đức Tình (SN 1980) cũng rộng chừng 20m2. Căn nhà tềnh toàng, chẳng có tài sản gì đáng giá. Anh Tình nói rằng sống giữa mênh mông đất núi Ba Vì nhưng mảnh đất cắm dùi của vợ chồng anh chỉ vẻn vẹn 50m2, bởi nhà đông anh em mà bố mẹ cũng không có nhiều đất để chia cho con cái.

Trong khi đó cũng do sinh sau đẻ muộn nên đất ruộng vợ chồng cũng không được chia. “Ngày trước đất đai quê tôi rẻ không mấy ai ngó ngàng, tới khi đất tăng giá, lên cơn sốt thì chỉ có những người ở nơi khác có tiền về mua, người dân như tôi mất cơ hội.

Nay chúng tôi lại phải chăn trâu, trồng cây dong riềng, trồng sắn nhờ trên những thửa đất mà người ta mua rồi để đó không sử dụng đến” - Anh Tình cho biết.

Tuy vậy nguồn thu nhập từ trồng sắn, cây dong riềng còn thấp, trồng từ tháng 2 đến tháng 9 mới cho thu hoạch, nhưng giá chỉ từ 2.500 - 3.800 đồng/1 kg, nên cuộc sống vợ chồng anh còn khó khăn.

Giãi bày về con số gần một nửa số hộ dân của xã là hộ nghèo, ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, xã có diện tích đất tự nhiên rất lớn với 2.540 ha, tuy nhiên có đến 2.200 ha nằm trong lâm phần Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý, xã chỉ còn 340 ha đất sử dụng.

Đất rộng nhưng trong số này chỉ có 21 ha đất trồng lúa. Thiếu đất sản xuất nông nghiệp, mặt khác tập quán bà con chưa chuyển đổi kịp cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất.

Thiếu công ăn việc làm, xã có tới 231 người vượt biên theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài làm thuê, mang theo nhiều hệ lụy, đến nay nhờ vận động vẫn còn trên 50 người chưa chịu quay về.

Người dân cần được hỗ trợ kiến thức, trang bị “cần câu”

Là xã đặc biệt khó khăn, xa xôi nhất Hà Nội, chính nhờ sự hỗ trợ của các cấp từ Trung ương, thành phố, tại Ba Vì hôm nay đường nhựa đã vào tận thôn bản.

Nhiều công trình phúc lợi xã hội như Nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Tuy nhiên để người dân thoát nghèo vẫn còn là bài toán không dễ, mà trước mắt cấp chính quyền địa phương đã có những định hướng, đưa ra những mô hình sinh kế, bên cạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi vật nuôi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Ánh Dương - Phó ban Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, Đề án phát triển kinh tế xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì giai đoạn 2015 - 2020 đã được cấp thành phố phê duyệt từ năm 2015 hiện đang chờ triển khai.

Đây là một trong những đề án cụ thể hỗ trợ đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó ưu tiên phát triển ba nhóm: Chăn nuôi, nghề thuốc nam và du lịch cộng đồng.

Cũng theo ông Dương, ngoài hai xã đặc biệt khó khăn, là xã Ba Vì (huyện Ba Vì), xã An Phú (huyện Mỹ Đức) nằm trong danh sách hơn 60 xã đặc biệt khó khăn của cả nước, Hà Nội còn có 17 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn được Nhà nước đầu tư theo Chương trình 135 năm 2016.

Dân số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn này lên tới 7 vạn dân, chiếm gần 1% dân số Thủ đô. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu: Hà Nội sẽ không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn vào năm 2018.

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm và có nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội ở những vùng này, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn… nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu người dân không có ý chí thay đổi tư duy, nỗ lực vươn lên thì đời sống của họ rất khó thay đổi.

Thúc đẩy các thôn, xã đặc biệt khó khăn vươn lên, điều cần nhất là phát triển kinh tế bền vững. Thiết nghĩ bên cạnh công tác hỗ trợ, chính quyền sở tại cấp địa phương cần lắng nghe tâm tư của người dân, cân nhắc để chọn ra mô hình phát triển hiệu quả, phù hợp nhất với đặc thù địa phương.

Người dân cần được hỗ trợ kiến thức, tầm nhìn, trang bị “cần câu” để tự “câu cá”. Và để các thôn, xã thoát ra khỏi chiếc mũ “đặc biệt khó khăn” cần có những bước đột phá từ hỗ trợ chính sách, chương trình, dự án đồng bộ cũng như sự vào cuộc của thành phố, các sở, ban, ngành nhằm mang lại cuộc sống người dân khu vực này sớm thay da đổi thịt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ