Thành tích trong năm học vừa qua đã tạo thế và lực để toàn ngành Giáo dục tự tin bước vào năm học mới với những kết quả, hy vọng mới.
Giáo dục mũi nhọn khẳng định chất lượng
Thời điểm này, các đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 đều đoạt giải, xếp hạng trong nhóm đầu. Điều đó khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn, sự quan tâm đầu tư đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT trong bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Mới đây nhất, cả 5 học sinh trong đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) năm 2023 đều đoạt huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Với 100% học sinh được huy chương, đoàn Việt Nam nằm trong tốp đầu kỳ thi IPhO 2023.
“Nhìn lại kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 và cho đến thời điểm này có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh.
Trước đó, 6/6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế năm 2023 đều giành huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 6/112 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tương tự, Đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế năm 2023 của Việt Nam có 3 thí sinh dự thi và đều giải, gồm 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Thành tích xuất sắc của các đội tuyển quốc gia Việt Nam tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời cho thấy hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GD&ĐT.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT),những năm qua, kết quả dự thi Olympic khu vực, quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam có tiến bộ cả về số và chất lượng theo hướng năm sau cao hơn năm trước; tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Kết quả tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế hằng năm đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của các trường phổ thông. Nói về giáo dục mũi nhọn, Bắc Ninh là địa phương có bước tiến đáng kể trong những năm qua. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Sơn cho biết: Kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục là địa phương đứng thứ nhất toàn quốc về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải (90,6%), với 5 giải Nhất, 22 giải Nhì, 24 giải Ba, 18 giải Khuyến khích. Môn Toán, lần đầu tiên địa phương có học sinh đoạt giải Nhất; môn Vật lý có học sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc; có 15 học sinh đủ điều kiện dự thi vòng 2 chọn các đội tuyển Việt Nam dự thi khu vực, quốc tế.
Tại các kỳ thi khu vực, quốc tế năm 2023, Bắc Ninh có 9 lượt (7 học sinh) dự thi. Đến thời điểm hiện tại có 5 lượt đoạt giải khu vực (Châu Á, Châu Âu) gồm 1 Huy chương Vàng (môn Hóa học), 1 Huy chương Bạc (môn Hóa học), 3 Huy chương Đồng (môn Vật lý). 3 lượt đoạt giải Quốc tế gồm: 1 Huy chương Vàng (môn Vật lý), 2 Huy chương Đồng (môn Toán, Vật lý); 1 học sinh đang dự thi Hóa học quốc tế tại Thụy Sĩ.
Để có những kết quả trong giáo dục mũi nhọn, ông Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh đầu tiên đến quan điểm chỉ đạo, quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp GD-ĐT nói chung; công tác giáo dục mũi nhọn, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài nói riêng thông qua các chủ trương, chính sách đã ban hành và tạo điều kiện thuận lợi phát huy tối đa vai trò của hệ thống trường chuyên trên cả nước.
Cùng đó là sự sát sao, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; xây dựng, khuyến khích phát triển đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để phát triển các trường THPT chuyên. Các địa phương đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại phục vụ dạy - học; khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên giảng dạy; chế độ đãi ngộ, khen thưởng phù hợp cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh giỏi.
Theo ông Sơn, tỉnh Bắc Ninh luôn dành sự quan tâm, đầu tư đặc biệt đối với GD-ĐT nói chung, công tác giáo dục mũi nhọn nói riêng. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, dành nguồn lực, ban hành chính sách kịp thời, phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, động viên, tuyên dương kịp thời đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng, học sinh giỏi. Qua đó, tạo động lực để công tác giáo dục mũi nhọn phát triển, đạt nhiều thành tích…
Tại Hải Phòng, 5 năm qua, số lượng học sinh giỏi quốc gia luôn ở vị trí cao trong cả nước. Từ năm 2018 đến nay, Hải Phòng có 18 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic khu vực, quốc tế. Riêng năm nay, cả 3 học sinh của thành phố dự thi Olympic quốc tế đều có giải (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế; 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế).
Chia sẻ kinh nghiệm của Hải Phòng trong công tác giáo dục mũi nhọn, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, yếu tố đầu tiên là tạo nguồn, phong trào học tập, thi đua trong công tác học sinh giỏi ngay từ cấp THCS. Cùng đó, phát hiện, lựa chọn đúng học sinh có năng lực; khích lệ để các em nỗ lực trong học tập và “chiến lược” của nhà trường trong công tác học sinh giỏi.
Tiết học của trẻ tại Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12, TPHCM). |
Giáo dục mầm non vượt khó
Với cấp học mầm non, năm học 2022 - 2023 là năm vượt khó để phát triển sau đại dịch Covid-19. Để giáo dục mầm non phát triển, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học. Đồng thời triển khai chính sách về cấp học, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các quy định.
Tại địa phương, sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố đã thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành chính sách, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường lớp. Ở một số tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản với nhóm chính sách theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, tạo động lực để cấp học phát triển.
Những nỗ lực để hỗ trợ giáo dục mầm non phục hồi sau dịch Covid-19 được bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo hỗ trợ các trường hoạt động ổn định trở lại và nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Sở cũng khẩn trương tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng được hưởng chính sách, làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, giáo dục mầm non đã nhanh chóng phục hồi, phát triển cả chất lượng lẫn nhân, vật lực...
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đà Nẵng có 7 trường mầm non ngoài công lập xin được giải thể. Sau khi dịch bệnh được khống chế, 3 trường mầm non tư thục được thành lập mới. Vì vậy, sự biến động về số lượng trường mầm non ngoài công lập ở Đà Nẵng là không đáng kể. Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Mầm non (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), với nhóm lớp độc lập tư thục, đã có sự thay đổi về chất sau đại dịch.
Cụ thể, Đà Nẵng có nhiều nhóm lớp độc lập tư thục quy mô khoảng 20 - 30 trẻ được mở mới sau chủ trương mở cửa trường học trở lại. “Các nhóm lớp độc lập tư thục mới mở sau dịch Covid-19 hầu hết đều được đầu tư cơ sở vật chất bài bản, hướng tới dịch vụ chăm sóc ở phân khúc chất lượng cao. Nhiều chủ nhóm lớp xác định đầu tư bền vững và xây dựng thương hiệu trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Qua kiểm tra thực tế, gần như chủ nhóm lớp đã có sự rà soát các yêu cầu của thông tư mới”.
Theo bà Tú, đây là xu hướng phát triển tất yếu bởi sau dịch Covid, với chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non cộng với khó khăn trong việc làm, nhiều phụ huynh chuyển con sang học ở các trường công lập. Nếu các trường ngoài công lập không cải thiện chất lượng chăm sóc và giáo dục sẽ rất khó để thu hút trẻ. “Sau khoảng 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập bắt đầu ổn định trở lại do các nhóm lớp độc lập, trường tư thục đã hoạt động bình thường như trước đây”, bà Tú cho biết.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, thành phố có 1.300 trường mầm non công lập và ngoài công lập, gần 1.600 nhóm lớp. Sau đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non nhanh chóng hoạt động trở lại đảm bảo điều kiện để chăm sóc trẻ tốt nhất. Mặc dù trước đó có hơn 150 cơ sở phải giải thể, tuy nhiên năm học 2022 - 2023, TPHCM luôn đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ.
Chia sẻ thông tin, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) đồng thời cho hay: Khi hoạt động lại, các cơ sở chú trọng cải tạo thêm về cơ sở vật chất; đồng thời nỗ lực hoàn thiện những quy định trong Thông tư 49 của Bộ GD&ĐT về việc “Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình công lập và tư thục”.
Với nhóm lớp độc lập cũng có lộ trình phát triển khác nhau. Trong đó, chú trọng đến việc tạo điều kiện cho giáo viên đi học để nâng cao trình độ theo Luật Giáo dục 2019. Phòng Giáo dục mầm non cũng tăng cường giám sát, hỗ trợ thường xuyên các nhóm lớp để điều chỉnh, hướng dẫn làm đúng quy định.
Tại TPHCM cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp và trở thành giáo viên mầm non được biên chế cũng “rộng cửa”. TPHCM hiện có cơ chế tuyển dụng giáo viên biên chế không cần có hộ khẩu thành phố. Với các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thành phố cũng có nhiều ưu đãi đối với đội ngũ. Theo đó, ở năm đầu tuyển dụng, giáo viên được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai hỗ trợ 70%; năm thứ 3 sau tuyển dụng là 50%.
Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ này kéo dài cho đến hết năm học 2024 - 2025. Những chính sách ưu đãi đã góp phần quan trọng để thành phố giữ chân và thu hút đội ngũ giáo viên mầm non bám nghề, nâng cao chất lượng chăm dạy ở bậc học này.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. |
Bước tiến chuyển đổi số
Được coi là bước tiến mới về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, năm học 2022 - 2023 lần đầu tiên toàn bộ quy trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Đây là một trong những điểm sáng của giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) viện dẫn, tất cả phương thức xét tuyển được lọc ảo trên Hệ thống và thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng. Việc thanh toán lệ phí xét tuyển, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học đều được thí sinh thực hiện trực tuyến trên Hệ thống.
Trong hơn 620 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 này là hơn 567 nghìn; trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỷ lệ 91,4%. “Các năm trước Hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, lượng thí sinh ảo rất lớn do các em còn chọn phương thức khác mà Hệ thống không thể kiểm soát”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi.
Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, nguyện vọng, nộp phí xét tuyển đến xác nhận nhập học. Có thể khẳng định, kỳ tuyển sinh năm 2022 đã thành công tốt đẹp, với những đổi mới trong Quy chế tuyển sinh.
Đáng nói, Hệ thống công nghệ đã mang lại kết quả như kỳ vọng là: Công bằng, hiệu quả và minh bạch. Trên hết, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất. Các em được đảm bảo quyền chọn ngành học, trường học theo nguyện vọng mong muốn; có cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Đặc biệt, không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều cơ sở đào tạo mà các em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) bình đẳng, minh bạch; thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Đáng nói, tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn. Điều này đồng nghĩa các trường tuyển sinh sát với chỉ tiêu hơn.
“Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2022 được đánh giá là đột phá về chuyển đổi số, tiên phong thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD&ĐT đã có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống. Từ đó, có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát ngày một tốt hơn.
Từ kết quả tuyển sinh đại học năm 2022, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Năm nay, Bộ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong xét tuyển vào đại học. Theo đó, các khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến. Cụ thể, từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, cung cấp những minh chứng, thông tin về đối tượng, khu vực ưu tiên cho đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí, xác nhận nhập học… Tất cả đều được thực hiện trên Hệ thống.
“Đến thời điểm này, việc sử dụng phần mềm thuận tiện hơn rất nhiều cho thí sinh”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ thông tin, đồng thời viện dẫn: Năm nay, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo mã ngành, không phải đăng ký theo tổ hợp hay phương thức xét tuyển. Theo đó, thí sinh chỉ cần chọn ngành đào tạo mình yêu thích và sẽ được ưu tiên tối đa để trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển tốt nhất mà mình có. Hệ thống đang hỗ trợ thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần cho đến 17 giờ ngày 30/7.
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhìn nhận, không phủ nhận trách nhiệm, niềm say mê của thầy cô trong nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công tác giảng dạy trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Cùng với đó là sự quan tâm của gia đình và cơ chế chính sách động viên khen thưởng học sinh, giáo viên của TP Hải Phòng.