Vua tăng giá trong đại dịch

GD&TĐ - Năm 2021, đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu còn nặng nề hơn nhiều so với năm ngoái.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng trái với nhận định thông thường, không phải thiết bị y tế hay dược phẩm mà rượu champagne hảo hạng mới là “vua tăng giá” trong năm dịch dã này.

Trong bối cảnh Covid-19 và sự lên ngôi của nền kinh tế số và các ứng dụng trực tuyến, khi nhắc đến lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhất trong năm 2021, nhiều người sẽ cho rằng tiền số bitcoin hoặc các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Nhưng với chỉ số chính xác từ các nền tảng giao dịch đồ uống có cồn là rượu vang, rượu mạnh và champagne đã cho một kết quả bất ngờ.

Theo dữ liệu của nền tảng giao dịch LiveTrade có uy tín toàn cầu về công nghiệp đồ uống, rượu champagne đã chiếm 15 trên tổng số 20 sản phẩm ghi nhận sự tăng giá cao nhất trên nền tảng này trong năm 2021. Trong đó dòng champagne cao cấp có tên Salon le Mesnil 2002 có mức tăng giá ấn tượng nhất.

Cụ thể, giá bán của dòng rượu này đã tăng hơn 80% trong năm 2021 trên nền tảng LiveTrade và cả trên một nền tảng tương tự là Liv-ex. Tính đến những ngày cuối năm 2021, giá mỗi chai Salon le Mesnil đang ở mức 15.700 USD (tương đương khoảng 360 triệu đồng).

Mức tăng giá tới 80% của dòng rượu trên thậm chí còn vượt qua con số tăng 75% của bitcoin, sản phẩm tăng giá trị nóng nhất thị trường tài chính. Nó cũng cao gấp 5 lần so với mức tăng 18% của chỉ số chứng khoán NYFANG + TM vốn chuyên tập trung vào cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ là Facebook, Amazon, Netflix, Google, Tesla và Microsoft.

Ngoài dòng rượu trên còn có các dòng Comtes de Champagne 2006 của Taittinger và dòng năm 2002 và 1996 của hãng Krug cũng ghi nhận mức tăng giá hơn 70% chỉ trong một năm. Số các dòng sản phẩm rượu tăng trên 50% giá trị cũng có nhiều tên tuổi trong cả lĩnh vực rượu vang và rượu mạnh.

Giám đốc điều hành LiveTrade là Matthew O"Connell cho biết, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ kinh doanh rượu hảo hạng trong năm nay. Trong số đó có lý do lãi suất thấp và mức tiết kiệm cao mà những người giàu tích lũy được trong nhiều đợt phỏng tỏa vì dịch trên toàn cầu. Các nguyên nhân khác có thể kể đến là sự tập trung đầu tư ngày càng cao vào các tài sản hữu hình trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Sự tăng giá dữ dội của các dòng rượu hảo hạng này là một lát cắt rõ nét minh họa cho sự bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng sâu trong bối cảnh Covid-19 hoành hành. Theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch đã gây ra bước thụt lùi lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu, trong đó số người nghèo nhất trên thế giới đã lần đầu tiên tăng sau hơn 20 năm đều giảm.

Trong khi hàng triệu người bị Covid-19 đẩy vào cảnh nghèo đói thì tài sản của giới siêu giàu lại càng đầy thêm và các tỷ phú đã có mức tăng tài sản cao kỷ lục trong năm 2021. Tính toán của tổ chức phi chính phủ Oxfarm cho biết, 1.000 người giàu nhất thế giới chỉ mất 9 tháng để lấy lại đà tăng tài sản sau khi sụt giảm vì đại dịch. Nhưng với nhóm người nghèo thì họ phải mất hơn một thập kỷ nữa mới có thể phục hồi kinh tế như trước khi Covid-19 xuất hiện.

Việc các dòng rượu hảo hạng có giá bán bằng cả một gia tài mỗi chai liên tục tăng giá giữa lúc đại dịch bủa vây thế giới nói trên như một minh chứng nhức nhối cho thấy, Covid-19 đang phơi bày sự bất bình đẳng trên toàn cầu không chỉ trong lĩnh vực phân phối vắc-xin. Các chuyên gia cảnh báo chính sự bất bình đẳng trên mọi mặt này cũng là nguyên nhân sâu xa khiến đại dịch kéo dài và lâu bị khống chế hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ