Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tarrant không nộp đơn xin tại ngoại hoặc xin được giấu tên và sẽ bị tạm giam cho đến ngày 5/4, trong khi chờ nhiều cáo buộc khác. Cảnh sát đã phong tỏa không cho người dân vào trong phòng xét xử do những lo ngại về an ninh, nhưng phóng viên của một số cơ quan báo chí vẫn được tham dự.
Trong diễn biến liên quan, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mở các cuộc điều tra sau khi có thông tin cho rằng nghi phạm trong vụ tấn công đẫm máu trên đã đến hai nước này vài lần. Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Bulgaria, ông Sotir Tsatsarov cho biết nghi phạm đã tới Bulgaria từ ngày 9-15/11/2018, và hắn muốn “thăm quan các địa điểm lịch sử và học hỏi lịch sử của đất nước thuộc khu vực Balkan này”.
Cuộc điều tra sẽ xác minh về tính đúng đắn của thông tin hoặc mục đích khác của nghi phạm. Nghi phạm người Australia cũng đã thực hiện những chuyến du lịch ngắn bằng xe buýt tới các nước Balkan, gồm Serbia, Croatia, Montenegro và Bosnia và Herzegovina, trong thời gian từ ngày 28-30/12/2016. Bulgaria cho biết đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Mỹ, New Zealand, Australia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Serbia và Montenegro về vấn đề trên.
Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nghi phạm đã đến nước này vài lần và ở lại đây trong một thời gian dài, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể. Nghi phạm được cho là cũng đã từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các quốc gia khác ở châu Âu, châu Á và châu Phi. Hiện nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra động thái và mối liên hệ của đối tượng tại các quốc gia này.
Ngày 15/3, cảnh sát Mỹ thông báo đã tăng cường an ninh cho tất cả các đền thờ Hồi giáo trên toàn nước Mỹ sau vụ xả súng đẫm máu nói trên.
Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nghi phạm xả súng ở Christchurch là người đã đi khắp nơi trên thế giới và không phải là cư dân định cư lâu dài ở nước này. Bà Ardern khẳng định rằng người đàn ông này là một công dân Australia, "người đã thỉnh thoảng tới New Zealand và ở lại trong nhiều quãng thời gian".
Bà cũng cho biết đối tượng không nằm trong danh sách giám sát của cả New Zealand hay Australia. Bà nói: “Những người đó không thuộc diện theo dõi ở đây hoặc Australia. Tôi đã đề nghị các cơ quan an ninh tiến hành đánh giá liệu những người này có các biểu hiện cực đoan trên mạng xã hội hay không. Quá trình này đang được tiến hành”.
Thủ tướng New Zealand cũng xác nhận nghi phạm xả súng sở hữu vũ khí đúng quy định và tuyên bố sẽ sửa luật súng nước này. Bà cho biết kẻ tấn công đã có giấy phép về súng đạn thuộc “Danh mục A” vào tháng 11/2017 và sau đó đã mua 5 khẩu súng sử dụng trong những vụ tấn công nhằm vào nhà thờ Hồi giáo.
Dựa vào thực tế rằng kẻ tấn công sau khi có giấy phép đã đủ điều kiện mua các loại súng tự động, tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự thay đổi”, bà Ardern nói và đề cập tới những lần nỗ lực thay đổi các quy định về kiểm soát súng đạn tại New Zealand vào các năm 2005, 2012 và 2017. Theo Thủ tướng New Zealand, một dự luật trong đó gồm cả lệnh cấm các vũ khí bán tự động đang được cân nhắc.
Sau vụ xả súng đẫm máu chưa từng có, mức cảnh báo đe dọa ở New Zealand được nâng lên mức cao lần đầu tiên trong lịch sử. Các sự kiện công cộng trên toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần đã bị hủy bỏ vì lý do an toàn, trong khi các nhân viên và máy bay trực thăng của cảnh sát tiếp tục duy trì tuần tra. Một thông báo của cảnh sát New Zealand sáng 16/3 cho biết: "Không có gì đảm bảo rủi ro chỉ giới hạn ở khu vực Canterbury và chúng tôi muốn tất cả người dân New Zealand phải cảnh giác cao độ".
Hãng hàng không quốc gia New Zealand cũng đã hủy ít nhất 17 chuyến bay ra vào khu vực Christchurch, và giải thích rằng họ không thể kiểm tra tất cả hành khách và hành lý của họ.
Ít nhất 49 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ xả súng nói trên khi nhiều người đi cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo vào buổi chiều thứ Sáu hàng tuần.
Hiện các danh tính nạn nhân chưa được công bố nhưng có nhiều người nước ngoài quốc tịch Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... được cho là có mặt tại các nhà thờ khi 2 vụ xả súng xảy ra.