Vụ tranh chấp dự án khu dân cư Hòa Lân: Nhiều đương sự đề nghị tòa đình chỉ vụ án

GD&TĐ - Theo dự kiến, ngày 15/10, Tòa án nhân dân Q.7 (TPHCM) mở lại phiên tòa xét xử vụ án “tranh chấp tài sản bán đấu giá” giữa Công ty TNHH SX&TM Thiên Phú và Công ty CP DV đấu giá Nam Sài Gòn liên quan tới dự án khu dân cư Hòa Lân. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là mới đây đại diện các đơn vị liên quan đã kiến nghị tòa đình chỉ vụ án.

Các bên liên quan tại phiên tòa xét xử trước đây. Ảnh: IT
Các bên liên quan tại phiên tòa xét xử trước đây. Ảnh: IT

Nguyên đơn rút đơn kiện?

Theo đó, đại diện phía Công ty CP DV đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn), cho rằng, ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) đã có đơn đề nghị rút đơn khởi kiện và yêu cầu khởi kiện vào các ngày 27, 28/5/2020 và 15/9/2020.

Đồng thời, khi thẩm phán Lê Thị Phơ - chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án này tiếp xúc, lấy lời khai ông Bùi Thế Sơn trong trại tạm giam, ông Sơn cũng đã khẳng định vẫn giữ nguyên yêu cầu rút toàn bộ đơn khởi kiện và xác nhận lại yêu cầu của mình là hoàn toàn tự nguyện.

Đồng thời, phía Công ty Nam Sài Gòn đưa ra các lập luận cho rằng, không có căn cứ tuyên Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017 ngày 1/7/2017 vô hiệu. Công ty Thiên Phú không có quyền khởi kiện Công ty Nam Sài Gòn vì Công ty Thiên Phú không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật giao kết các hợp đồng với Nam Sài Gòn, không đủ điều kiện về chủ thể để khởi kiện Nam Sài Gòn.

Ngoài ra, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh) và Agribank cũng yêu cầu TANND Q.7, Viện KSND Q.7 xem xét đình chỉ vụ án vì TAND Q.7 không xác định đúng tư cách tố tụng của các đương sự, chưa xác định chính xác các quan hệ tranh chấp trong vụ án. Đồng thời, phía Công ty Kim Oanh tiếp tục đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo diễn tiến vụ việc, ngày 7/9/2020, ông Nguyễn Phú Đức – Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh đã có đơn gửi Viện KSND Q.7 đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (QĐADBPKCTT) số 01/2019 ngày 15/3/2019 của TAND Q.7 về cấm chuyển dịch về quyền và tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương tổng diện tích 490.765,1m2…

Lập luận mà ông Nguyễn Phú Đức đưa ra là QĐADBPKCTT xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp “Hợp đồng bán đấu giá” và “Hợp đồng tín dụng”. Tuy nhiên, trong 2 hợp đồng này chỉ có các chủ thể tham gia là Agribank, Nam Sài Gòn và Công ty Thiên Phú, đồng thời nội dung của quyết định này không có chỗ nào xác định có liên quan đến Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017 có Công ty Kim Oanh ký kết. Như vậy, TAND Q.7 không thụ lý yêu cầu Hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng lại ban hành QĐADBPKCTT là trái pháp luật.

Mặt khác, đại diện Công ty Kim Oanh cũng cho rằng, trong vụ việc này, Kim Oanh là công ty trúng đấu giá và mua được tài sản từ cuộc bán đấu giá được tổ chức công khai, hợp pháp theo quy định của pháp luật, là bên thứ ba ngay tình nên phải được bảo vệ theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015.

Đồng thời, đối chiếu với Khoản 3 điều này thì Công ty Thiên Phú không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình thông qua bán đấu giá. Nếu giao dịch giữa Công ty Thiên Phú và Agribank hay Agribank và Nam Sài Gòn vô hiệu thì các bên giải quyết bồi thường lẫn nhau chứ không có quyền khởi kiện yêu cầu hủy Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đối với Công ty Kim Oanh.

Bên trúng thầu không chi trả đúng quy định?

Theo hồ sơ vụ án, sau khi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho thực hiện dự án Khu dân cư Hòa Lân (thị xã Thuận An, Bình Dương), Công ty Thiên Phú thế chấp hơn 400.000m2 đất dự án để vay Agribank Chợ Lớn nhưng không có khả năng trả nợ. Tính đến 26/4/2013, Công ty Thiên Phú còn nợ ngân hàng Agribank hơn 1.117 tỷ đồng. Tháng 4/2015, tài sản được giao cho Agribank Chợ Lớn tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ.

Sau gần 2 năm (2015 - 2017) với 11 phiên đấu giá bất thành. Tại phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28/4/2017, Công ty Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ đồng (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm: Thủ Đức House, Công ty Kim Oanh và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình.

Trong đó, Thủ Đức House đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của ngân hàng là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho phía ngân hàng biết.

Đến ngày 25/5/2017, cuộc đấu giá diễn ra và sau 14 vòng trả giá, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá ở mức 1.353 tỷ đồng. Theo quy định của phía ngân hàng, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán một lần ngay số tiền trúng đấu giá. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, Công ty Kim Oanh đã không thực hiện như vậy. Tới tháng 11/2018, công ty này mới thanh toán được 847,8 tỷ đồng (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm), còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.

Sau khi có khiếu nại, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra, công nhận tính hợp pháp của kết quả đấu giá. Ngày 24/12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có Kết luận số 62/KL-TTR đã kiến nghị ngân hàng Agribank Chợ Lớn khẩn trương thu hồi số tiền và lãi Công ty Kim Oanh đấu giá mua tài sản, không để kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi Nhà nước. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán thì có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật tránh làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Ngày 14/2/2019, Công ty Thiên Phú có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương không chấp nhận chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Thiên Phú sang Công ty Kim Oanh do công ty này không thực hiện thanh toán theo hợp đồng trúng đấu giá và Thiên Phú cho rằng, kết quả đo đạc đã làm thiếu hụt diện tích của dự án là 8.452m2. Do không thu hồi được nợ, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Thiên Phú đã khởi kiện ra TAND Q.7 để trả nợ cho ngân hàng và yêu cầu hủy kết quả đấu giá.

Một diễn tiến khác, ngày 29/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với Bùi Thế Sơn (Giám đốc Công ty Thiên Phú), Trần Văn Tấn và Đặng Bình Anh Trọng (hai Phó Giám đốc công ty) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, TAND Q.7 đã hai lần (vào tháng 3 và tháng 8/2020) đưa vụ án ra xét xử nhưng phải tạm hoãn do sự phản đối của các bên và xuất hiện một số tình tiết mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ