Vụ thiết bị dạy học ở Thanh Hóa: Sẽ báo cáo tỉnh và chuyển cơ quan an ninh

GD&TĐ - Liên quan đến việc thiết bị dạy học cấp về các trường có biểu hiện kém chất lượng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, sắp tới, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh và chuyển kết quả xác minh sang cơ quan an ninh.

Chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu Acer, thuộc diện thiết bị dạy học được cấp về các nhà trường, có biểu hiện khởi động rất chậm chạp.
Chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu Acer, thuộc diện thiết bị dạy học được cấp về các nhà trường, có biểu hiện khởi động rất chậm chạp.

Ngày 16/7, trao đổi với GD&TĐ, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi báo chí phản ánh vấn đề thiết bị dạy học cấp về cho các nhà trường kém chất lượng.

Đến nay, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn, tổng kiểm tra. Khi có kết quả chính thức, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, đồng thời chuyển đến cơ quan an ninh.

Cũng theo ông Thức, cơ bản những gói thiết bị là đúng với hợp đồng đã ký. “Còn một thiết bị như máy tính, công nghệ thì tôi nghe báo cáo là: Có những giáo viên (GV) khi thực hiện quy trình không bài bản, khiến máy khởi động chậm”, ông Thức thông tin.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa, cũng khẳng định: “Liên quan đến chất lượng của thiết bị, Sở chưa nhận được phản ánh hay báo cáo từ một nhà trường nào cả. Tất cả những đơn vị mà báo chí phản ánh, Sở đã yêu cầu kiểm tra cụ thể.

Hơn nữa, những thiết bị ấy đang trong thời gian bảo hành, duy tu bảo dưỡng, nếu hư hỏng, thì có thể thay thế. Do đó, Sở đang chỉ đạo chặt chẽ các trường, các địa phương phối hợp với đoàn kiểm tra. Thực ra, cũng không nghiêm trọng như báo chí đã phản ánh.

Về việc giá cả của thiết bị, thì tôi chưa bàn đến. Bởi lẽ, nó liên quan giữa nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị cung ứng, nên không thuộc trách nhiệm của bên kiểm tra của Sở.

Hiện nay, Sở đang hoàn thiện bản báo cáo để gửi UBND tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, yêu cầu báo cáo phải trung thực, khách quan để tỉnh và Sở còn biết mà rút kinh nghiệm về sau. Bên cạnh đó, còn phải báo cáo với cơ quan an ninh”.

Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, về máy tính xách tay, máy có cấu hình cao. Tuy nhiên thế hệ máy năm 2019, tốc độ khởi động không thể nhanh hơn so với thế hệ máy bây giờ.

Đoàn kiểm tra của Sở đã kiểm tra cấu hình các thiết bị giữa thực tế so với ghi trong hợp đồng mua bán có đảm bảo không, chất lượng sử dụng như thế nào.

Chiếc tivi nhãn hiệu LG, màn hình 32 inch, không thể dùng trong lớp học có diện tích hơn 50m2, nên nhà trường đem treo ở phòng họp.
Chiếc tivi nhãn hiệu LG, màn hình 32 inch, không thể dùng trong lớp học có diện tích hơn 50m2, nên nhà trường đem treo ở phòng họp.

Về ti vi 32 inch, theo danh mục của Bộ GD&ĐT quy định tối thiểu là 29 inch, nên thiết bị này cấp về các trường không sai.

Tuy nhiên, thực tế so với không gian của một lớp học hơn 50m2, thì tivi 32 inch là hơi nhỏ, khó khăn trong quá trình sử dụng dạy học. Cái này phải rút kinh nghiệm vì không phù hợp thực tiễn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng xác nhận, có nhiều trường đã tự ý thay ổ cứng khi thấy máy khởi động chậm, mà không báo cáo Sở.

Trao đổi với GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Tahnh Hóa, cho hay: Thực ra, khi nhận thiết bị dạy học, GV chưa được hướng dẫn một cách chu đáo để sử dụng. Đây là lỗi do những nhà cung cấp thiết bị không hướng dẫn bài bản.

Khi nhà cung cấp bàn giao thiết bị cho nhà trường, thì phải hướng dẫn cho người ta. Hoặc, sau khi bàn giao thiết bị, phải có một đợt tiếp thu, lắng nghe những ý kiến phản hồi của các nhà trường. Từ đó, tổ chức giải trình, giải thích cho người sử dụng.

Cũng theo ông Dũng, GV ở trường không phải là GV tin học chuyên sâu, mà chỉ sử dụng những vấn đề thông thường lâu nay được hướng dẫn. Còn việc khắc phục các sự cố máy tính, thì GV không thể làm tốt bằng chuyên viên tin học của Sở được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ