Hoạt cảnh được tái hiện thuộc chương trình ngoại khóa
Đầu năm 2019, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM) ký quyết định kỷ luật viên chức đối ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên Ngữ văn của trường với hình thức cảnh cáo. Đồng thời, ông Đạt cũng bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm, chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.
Quyết định này, theo nhà trường có liên quan đến nhiều sai phạm của ông Đạt, trong đó có sự việc hoạt động sân khấu hóa môn Ngữ văn của học sinh lớp do ông phụ trách, các em diễn kịch tái hiện một số tác phẩm như “Quan Âm Thị Kính”, “Bỉ vỏ” có cảnh theo nhà trường là phản cảm, gây ảnh hưởng xấu. Không chấp nhận quyết định kỷ luật này, ông Phạm Quốc Đạt khởi kiện nhà trường ra Tòa án nhân dân Quận 12 và yêu cầu đền bù gần 136 triệu đồng.
Để việc xét xử được khách quan, Tòa án nhân dân Quận 12, TPHCM có Công văn (CV số 1063/TAQ11, ngày 27/7/2020) lấy ý kiến chuyên môn từ Sở GD&ĐT TPHCM về một số hoạt cảnh được ông Đạt cho học sinh tái hiện qua hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Trước câu hỏi của Tòa án nhân dân Quận 12 về “Nội dung hoạt cảnh “Quan Âm Thị Kính” và “Bỉ vỏ” có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc THPT không”, Văn bản số 2507/GDĐT-GDTrH của Sở GD&ĐT TPHCM thông tin: Căn cứ chương trình giáo dục môn Ngữ văn THPT, tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7, còn “Bỉ vỏ” không nằm trong chương trình giảng dạy ở THPT.
Căn cứ vào Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học, các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học như trường hợp này, theo Sở GD&ĐT có thể thuộc hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, Điều 26 quy định các hoạt động giáo dục nêu: Hoạt động ngoại khóa là một trong nhiều hoạt động giáo dục của nhà trường. Hoạt động ngoại khóa ở môn Ngữ văn nói riêng và các môn học nói chung phải được nhà trường, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể, khoa học, phù hợp tình hình đơn vị và đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.
Với môn Ngữ văn, hình thức, nội dung các hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, phong phú. Sân khấu hóa các tác phẩm văn học là một trong nhiều hình thức của hoạt động ngoại khóa. Việc quản lý các hoạt động chuyên môn nói chung, hoạt động ngoại khóa nói riêng căn cứ trên kế hoạch được tổ bộ môn xây dựng và hiệu trưởng nhà trường phê duyệt.
Do đó, Sở GD&ĐT TPHCM nhận định: Nếu xét ở góc độ chương trình giảng dạy trong nhà trường, tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7, tác phẩm “Bỉ vỏ” không có trong chương trình giảng dạy Ngữ văn bậc THPT.
“Còn nếu xét ở góc độ hoạt động ngoại khóa, theo Sở GD&ĐT TPHCM, phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này mà tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và hiệu trưởng nhà trường duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời “có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không” - văn bản của Sở GD&ĐT TPHCM nêu.
Văn bản nêu chung chung?
Chia sẻ quan điểm với phóng viên về văn bản phản hồi đánh giá chuyên môn nội dung hoạt cảnh “Quan Âm Thị Kính” và “Bỉ vỏ” của Sở GD&ĐT TPHCM gửi Tòa án nhân dân Quận 12, ông Phạm Quốc Đạt cho rằng: Văn bản quá chung chung và không trả lời trực diện, đánh giá về chuyên môn - những vấn đề trường đã cáo buộc ông sai để thi hành kỷ luật.
“Ở văn bản này, Sở GD&ĐT TPHCM không hề đưa ra kết luận, hay chứng minh các sai phạm của tôi về mặt chuyên môn. Những quy kết từ phía Ban giám hiệu Trường THPT Võ Trường Toản là tôi đã sai phạm về chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng cũng không được bóc tách, phân tích rõ ràng. Nói tôi sai phạm về chuyên môn, gây hậu quả nghiêm trọng và kỷ luật cần phải chứng minh rõ các sai phạm của tôi” - ông Phạm Quốc Đạt nói.
Theo ông Phạm Quốc Đạt, việc cho học sinh diễn các hoạt cảnh trong tác phẩm kinh điển là một hoạt động ngoại khóa nhằm nuôi dưỡng đam mê đọc sách, tìm hiểu tác phẩm và sự say mê văn học nơi học sinh. Các hoạt động “sân khấu hóa” tác phẩm văn học dân gian đều hướng đến mục tiêu là rèn luyện cho học sinh kỹ năng, cảm thụ trực tiếp tác phẩm văn học. Quan trọng hơn nó là một trong các nội dung mà tổ chuyên môn Ngữ văn nhà trường xây dựng nhằm bảo đảm việc giảng dạy và đưa tác phẩm văn học “thấm” hơn đến từng học sinh.
“Cái đáng nói, nhà trường không hề có hướng dẫn từng bước, cụ thể cho giáo viên khi thực hiện “sân khấu hóa” tác phẩm văn học dân gian, hoạt động ngoại khóa. Đến khi giáo viên thực hiện thì quy kết sai phạm về chuyên môn để kỷ luật khiến tôi không phục” - ông Đạt nói.
Trước đó, tại phiên xét xử ngày 13/7/2020, Viện Kiểm sát nhân dân Quận 12 đề xuất, cần bên thứ ba có chuyên môn, cụ thể là Sở GD&ĐT TPHCM đánh giá về chuyên môn, quyết định kỷ luật ông Đạt của trường là đúng hay sai. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Đạt cho rằng, liên quan đến vấn đề này, nhất là việc ông thực hiện sân khấu hóa một số tác phẩm văn học, đánh giá của Sở GD&ĐT TPHCM có thể không khách quan. Ông Đạt đề xuất bên thứ ba phải là nơi có chuyên môn về nghệ thuật, điện ảnh như Sở Văn hóa - Thể thao hoặc Trường Sân khấu Điện ảnh mới có thể đánh giá việc cho học trò tái hiện tác phẩm văn học của mình có như cáo buộc từ nhà trường là thô tục, gây ảnh hưởng xấu hay không.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đồng ý tạm ngừng phiên tòa để xác minh các chứng cứ, thẩm định nội dung từ bên thứ 3. Phiên tòa tiếp tục xử ngày 15/9.