Cuộc điện thoại đến trong “điềm dữ”
Trong khi các lực lượng đang nỗ lực tìm mọi cách để tìm kiếm các những nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở tại Sư đoàn 337 (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tại quê nhà, những người thân của họ vẫn trông ngóng một phép màu kỳ diệu.
Chiều 18/10, mưa lớn vẫn tiếp diễn trên diện rộng tại Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường đã ngập trong nước. Thế nhưng, ngôi nhà của bố mẹ thượng úy Trần Quốc Dũng tại TDP 3, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) vẫn đông người vào ra thăm hỏi. Anh là một trong 22 chiến sĩ có tên trong danh sách mất tích trong vụ sạt lở núi tại sư đoàn 337 vào rạng sáng ngày 18/10.
“Tối qua, nó còn gọi điện về cho vợ bảo có đoàn công tác của quân khu về kiểm tra. Vậy mà sáng nay khi nghe có thông tin về sạt lở cà nhà cuống cuồng gọi cho nó nhưng gọi mãi có nghe gì đâu”, bà Nguyễn Thị Tứ (61 tuổi, mẹ ruột thượng úy Dũng) nghẹn ngào. Từ sáng đến nay, bà Tứ như người mất hồn, bà vẫn không thể tin con trai mình đang là 1 trong 22 nạn nhân đang nằm dưới những lớp đất lạnh kia.
Thượng úy Dũng là con trai của vợ chồng bà Tứ, anh công tác tại Sư đoàn 337 (Quân khu 4, Bộ Quốc phòng) từ năm 2011 đến nay. Năm 2012, thượng úy Dũng và chị Thiều Thị Phương Nhung (34 tuổi) kết hôn, hiện đã có 2 người con (7 tuổi và 3 tuổi). Chị Nhung đang là giáo viên tại một Trường tiểu học ở huyện Kỳ Anh.
Ngay khi nghe tin dữ về chồng và đơn vị, chị Nhung cùng với người thân đã bắt xe vào Quảng Trị để theo dõi công tác tìm kiếm. Hai đứa con của vợ chồng chị Nhung đang được ông bà ngoại chăm sóc.
Cố nén đau thương, nhưng trên mặt ông Trần Quốc Hợi (bố ruột thượng úy Dũng) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại thời điểm nhận điện thoại từ đơn vị của con trong sáng 18/10.
“Khoảng 8h sáng, thì có một số máy lạ gọi đến điện thoại của ông. Ngay khi người bên kia điện thoại giới thiệu là một đồng chí trong đơn vị tôi đã dự cảm chẳng lành. Người kia thông báo Dũng gặp nạn, đang bị mất tích cùng với nhiều chiến sĩ khác vì ngọn núi phía sau nhà Tham mưu bất ngờ đổ ập xuống. Hiện đơn vị và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực triển khai tìm kiếm, tôi nghe xong rụng rời hết chân tay”.
“Sáng nay, đọc báo không liên lạc được với con cả nhà ai cũng nóng như lửa đốt, khi nghe tin tôi vẫn không dám tin, chỉ mong sao tin này báo sai thôi…”, giọng ông Hợi lạc hẳn đi.
Cho đến thời điểm này, người thân của thượng úy Dũng vẫn mong ngóng tia hy vọng mong manh. Với tâm trạng lo lắng, hoang mang và cùng niềm tin mong manh về một phép nhiệm màu từ công tác cứu hộ của lực lượng chức năng - đó là tâm trạng nhiều gia đình chiến sĩ có tên trong danh sách 22 người mất tích tại vụ sạt lở tại sư đoàn 337 – Quảng Trị.
Vẫn mong một phép màu!
Tại thôn 7, xã Hương Đô (huyện Hương Khê) người thân và bà con hàng xóm chiến sĩ Cao Văn Thắng (SN 2000) vẫn đang theo dõi tin tức tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở.
Chiến sĩ Cao Văn Thắng vừa nhập ngũ vào Sư đoàn 337 vào vào đầu năm 2000. Thằng là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ của Thắng đều đã già cả, ốm yếu. Ngồi gục trên bàn, khuôn mặt ông Cao Văn Sơn (bố chiến sỹ Thắng) nặng trĩu nỗi lo âu. Sáng nay, gia đình ông cũng vừa nhận được thông tin từ đơn vị con trai đang đóng quân.
"Gia đình tôi đều mong lực lượng cứu hộ sớm tìm được người gặp nạn, vẫn mong có phép màu sẽ đến với những người còn lại", ông Sơn hy vọng.
Tại huyện Nghi Xuân ( Hà Tĩnh) hiện có 2 quân nhân được xác định mất tích trong vụ sạt lở đất ở tỉnh Quảng Trị gồm: Trung úy Lê Hương Trà (thị trấn Tiên Điền) và thiếu tá Nguyễn Cao Cường (SN 1977, thôn Nam Sơn, xã Cương Gián).
Trung úy Lê Hương Trà (SN 1984) là 1 trong 22 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 bị tử nạn trong vụ sạt lở đất tại khu nhà tập thể của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337, xã Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị.
Được biết, trung úy Lê Hương Trà có 2 con nhỏ, cháu lớn 10 tuổi và cháu bé 2 tuổi, vợ là giáo viên trường Mầm non ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Thiếu tá Nguyễn Cao Cường hiện có 2 con nhỏ đang học cấp 2. Vợ thiếu tá Cường hiện là Nguyễn Thị Hoa - giáo viên tại trường Trường Tiểu học Cương Gián 1. Cách đây ít ngày, mẹ và anh trai cô Hoa đều đều đột ngột qua đời.
Ngồi thẫn thờ bên con, cô giáo Hoa như chẳng còn chút sức lực. Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, bao tai ương cứ giáng xuống gia đình cô. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khiến cô ngã quỵ.
Nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình thiếu tá Cường, hàng xóm không giấu nổi sự chua xót. “ Tội lắm các cô chú ạ, bao tin dữ liên tiếp như thế này thì ai chịu nổi. Giờ chỉ mong sao, chú ấy còn chút hy vọng mong manh về với vợ con”, một giáo viên trong trường chia sẻ.
Trong chiều nay, lãnh đạo huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Thạch Hà… đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình quân nhân gặp nạn. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa mọi điều kiện để đón các chiến sĩ về với quê hương.