Vụ sai phạm tại đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng TPHCM: Doanh nghiệp “xin nộp” hơn 2,7 nghìn tỷ đồng để tiếp tục dự án

GD&TĐ - Liên quan đến khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) trong vụ án sơ thẩm xét xử sai phạm tại SABECO đã được TAND TP Hà Nội tuyên hôm 29/4,

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (thứ 3 từ trái qua) cùng các đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (thứ 3 từ trái qua) cùng các đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm.

Liên quan đến khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) trong vụ án sơ thẩm xét xử  sai phạm tại SABECO đã được TAND TP Hà Nội tuyên hôm 29/4, Công ty CP Đầu tư quảng trường Mê Linh (Công ty Mê Linh) là bên thứ 3 ngay tình, đề xuất với UBND TPHCM xin nộp tiền để được tiếp tục triển khai dự án.

2.713 tỷ đồng không phải tiền khắc phục hậu quả

Theo đó, Bản án số 134/2021/HS-ST, xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO, thuộc Bộ Công Thương) được TAND TP Hà Nội tuyên hôm 29/4 có phần dân sự là khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM).

Theo thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân, chủ tọa phiên tòa, đến thời điểm hiện tại có ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương) cùng 3 bị cáo đã có đơn kháng án gửi đến TAND TP Hà Nội. Riêng Công ty Mê Linh là bên sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) không kháng cáo.

Tuy nhiên, phía Công ty Mê Linh (chủ đầu tư là bên thứ 3 ngay tình) đang sở hữu khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng vừa có đơn gửi đến Chủ tịch UBND TPHCM và một số cơ quan liên quan, đề xuất nộp 2.713 tỷ đồng với mong muốn tiếp tục triển khai dự án.

Về trách nhiệm dân sự, bản án nêu: “Giao thửa đất tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM (là tang vật của vụ án) cho UBND TPHCM xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật”. Đồng thời, cũng theo nội dung bản án, Công ty Mê Linh, là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì là chủ đầu tư đang sở hữu khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Phía Công ty Mê Linh cho rằng, quan điểm của HĐXX sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự (đã dẫn ở trên) là không chỉ bảo vệ quyền lợi của Nhà nước mà còn có tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình trong vụ án.

Do đó, công ty có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành giải quyết theo đúng tinh thần bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.

Từ đó, phía công ty đề xuất được nộp 2.713 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, và khoản tiền này được xác định là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty Mê Linh cũng đã nêu rõ mình là bên thứ 3 ngay tình, sử dụng đất hợp pháp và hoàn toàn không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Tuy nhiên, nhận thấy phần thiệt hại đối với Nhà nước là đặc biệt lớn do không thu tiền khắc phục hậu quả từ các bị cáo; đồng thời, với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án, công ty đã đề đạt nguyện vọng tới HĐXX là được Nhà nước cho phép công ty nộp 2.713 tỷ đồng (tương ứng với số tiền thiệt hại được xác định trong vụ án) vào ngân sách, với điều kiện là trong mọi trường hợp, số tiền này không được phép hiểu là tiền khắc phục hậu quả cho các hành vi phạm tội.

Phải xác định rõ rằng khoản tiền này là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án.

Đất công trở thành tư

Theo bản án sơ thẩm, SABECO được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Năm 2012, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các công ty Nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã bỏ trốn) và ông Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương) tiếp tục chỉ đạo SABECO đầu tư dự án bất động sản (không phải ngành kinh doanh chính của Công ty).

Từ đó, SABECO đã dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) và nguồn tiền của tổng công ty để góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập SABECO Pearl, rồi dùng pháp nhân này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại.

Đồng thời, dự án được  ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TPHCM (thời điểm đó) ký duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất hơn 997 tỷ đồng, SABECO Pearl đứng ra nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và xin bổ sung chức năng căn hộ ở. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là 1.000 tỷ đồng trong khi giá thị trường hơn 3.800 tỷ đồng.

Khi SABECO thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công Thương chỉ đạo tổng công ty này thoái toàn bộ vốn góp tại SABECO Pearl.

Theo bản án, từ đó, SABECO hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng sang cho tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Tới tháng 10/2016, SABECO Pearl đổi tên thành Công ty CP Đầu tư quảng trường Mê Linh. Lúc này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân (các cổ đông góp vốn), giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất thuộc về Công ty Mê Linh.

Từ những sai phạm nêu trên, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng 11 năm tù, Phan Chí Dũng 9 năm tù cùng vì tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh 6 năm 6 tháng tù; 7 bị cáo khác bị tuyên từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù.

Theo đơn trình bày của Công ty Mê Linh, công ty này hiện đang thuộc sở hữu của nhóm cổ đông (nhóm nhà đầu tư), gồm Công ty CP đầu tư Mê Linh Square (MLS; tỷ lệ 98,53% vốn) và 2 cá nhân (tỷ lệ 1,47% vốn).

Bản thân MLS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với cổ đông nước ngoài là Oriental Sky Development Limited. Oriental Sky Development Limited là công ty được sở hữu bởi pháp nhân và cá nhân có quốc tịch British Virgin Islands và Anh Quốc.

Trong vụ án liên quan “khu đất vàng” Hai Bà Trưng, nhóm nhà đầu tư là bên thứ 3 ngay tình, hoàn toàn không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Do thời điểm hoàn thành tội phạm được Viện KSND xác định là từ tháng 10/2016 trở về trước, khi đó SABECO thoái toàn bộ 26% vốn khỏi SABECO Pearl (tên cũ của Công ty Mê Linh).

Nhóm nhà đầu tư chỉ trở thành cổ đông của Công ty Mê Linh vào tháng 4/2017 và sau khi các cổ phần liên quan SABECO Pearl đã được chuyển nhượng 2 lần trước đó.

Vụ án đã gây hao tổn nhiều thời gian và công sức của cơ quan điều tra và tố tụng. Bên cạnh đó là những tổn thất khác về uy tín của các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.