Vụ phá rừng trên đỉnh đèo Pha Đin - Điện Biên: Rừng mất, lãnh đạo huyện… bận

GD&TĐ - Liên quan đến vụ phá rừng trên đỉnh đèo Pha Đin (Tuần Giáo, Điện Biên), cơ quan chức năng đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra lâm sản bị chặt phá.
Lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra lâm sản bị chặt phá.

Hai cán bộ cũng đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Nhưng sau 4 tháng đặt lịch, những người đứng đầu địa phương này vẫn “bặt vô âm tín”...

Có dấu hiệu hình sự...

Ngày 20/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 01/QĐKT-CCKL, khởi tố vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại tiểu khu 618 khoảnh 16, bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo”.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có Quyết định số 05/QĐ-VKS-P1, chuyển vụ án hình sự để điều tra theo thẩm quyền. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên quyết định chuyển vụ án hình sự: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại Khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại tiểu khu 618, khoảnh 16 bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình do Chi cục Kiểm lâm khởi tố theo Quyết định số 01 đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo để điều tra theo thẩm quyền.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đã có Quyết định số 497/QĐ-SNN về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với công chức Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo, thời gian bắt đầu từ ngày 19/7 đến 6/8.

Lý do: Làm rõ trách nhiệm của ông Đinh Văn Cường trong việc để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trái quy định của pháp luật tại khu vực bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình với số lượng 528 gốc cây thông. Đã đo đếm được 1.023 lóng với khối lượng là 58,885m3. Còn khoảng 200 gốc đã bị chặt hạ và khoảng 100 lóng, khúc đang trong quá trình kiểm đếm.

Diện tích san ủi mở đường vào rừng dùng để vận xuất, vận chuyển gỗ là khoảng 5.140m2 khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Mức độ vi phạm như trên là rất nghiêm trọng.

Không lâu sau, ngày 22/7, ông Vũ Văn Đức - Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo đã ký quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lầu A Dùa - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình để làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trái quy định của pháp luật tại khu vực nói trên.

Xác định các vị trí rừng bị “xẻ thịt”.
Xác định các vị trí rừng bị “xẻ thịt”.

Né tránh trách nhiệm?

Rừng thông trên đỉnh đèo Pha Đin, khu vực thuộc địa phận xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) được trồng từ năm 1997 do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Theo Kế hoạch số 388 ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, giai đoạn 2013 - 2015 thì diện tích rừng này được trồng theo Dự án 327 và Dự án 661, mục đích sử dụng là rừng sản xuất.

Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 1208 về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khu vực rừng này được quy hoạch là rừng phòng hộ.

Ngày 12/1/2017, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tại mục 5 của Chỉ thị nêu rõ: “Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Theo phản ánh, dù được quy hoạch là rừng phòng hộ theo Quyết định số 1208 ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, tuy nhiên, từ tháng 4 đến đầu tháng 7/2021, hàng chục ha rừng thông trên đỉnh đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Tỏa Tình lại đang bị khai thác một cách ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật.

Ngày 27/7, Báo GD&TĐ đã gửi nội dung, đăng ký làm việc với Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng.

Song đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Liên lạc qua điện thoại, ông Vũ Văn Đức - Chủ tịch UBND huyện lần nào cũng “bận”. Và lần nào liên hệ, ông Đức cũng đều cho biết: Vụ việc “đang trong quá trình điều tra, sẽ thông tin sau”.

Rừng thì đã bị phá, cán bộ đã bị đình chỉ, vụ án cũng đã được Quyết định khởi tố hình sự. Trong khi, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đây vẫn ngồi “đợi” kết quả điều tra, xác minh để nói về trách nhiệm của mình.

Câu hỏi đặt ra ở đây: Họ đã dựa vào đâu để quản lý diện tích rừng nói trên suốt bao năm qua(?), để đến khi xảy ra sự việc rồi mới “đợi” tiến hành điều tra, xác minh về nguồn gốc và hành vi vi phạm? Việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương có thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư(?) hay chỉ dừng lại ở cấp xã và Hạt Kiểm lâm? Đến khi nào thì dư luận mới có câu trả lời thỏa đáng?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ