Kon Tum: Báo động tình trạng phá rừng làm nương rẫy

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều diện tích rừng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) bị tàn phá. Rừng bị phá đến đâu thì nương rẫy, cây trồng của người dân mọc lên đến đó.

Từng mảng rừng bị cạo trọc tại huyện Tu Mơ Rông.
Từng mảng rừng bị cạo trọc tại huyện Tu Mơ Rông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực thôn Đắk Ka (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) bên cạnh màu xanh bát ngát của những cánh rừng tự nhiên thì từng mảng rừng đã bị chặt hạ, thay vào đó là màu xanh của mì, cà phê. Một số thân cây lớn bị chặt hạ với tàn tích còn sót lại nằm la liệt trên những nương rẫy mà người dân vừa trồng trọt.

Ghi nhận tại khu vực này, mặc dù ngành chức năng đã đóng biển “rừng phòng hộ đầu nguồn, cấm chặt phá rừng, đốt rừng”, nhưng người dân vẫn chặt hạ cây rừng để trồng nương rẫy. Hiện nay, đơn vị chủ rừng đã trồng thông để phủ xanh khoảng rừng này.

Theo Hạt kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 4 vụ phá rừng gây thiệt hại 18,3 ha rừng phòng hộ. Hiện, 4 vụ phá rừng đang được cơ quan chức năng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan.

Điển hình như vụ phá rừng xảy ra vào cuối tháng 1/2021 tại khoảnh 4 - 11 tiểu khu 264 rừng phòng hộ thuộc địa giới hành chính xã Tu Mơ Rông với tổng diện tích là 85.317m2 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông quản lý.

Bên cạnh đó, ngày 2/2, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng phòng hộ trái pháp luật tại khoảnh 1 và 5, tiểu khu 263 với tổng diện tích là 20.886m2. Sau đó, cơ quan tiến hành tố tụng đã khám nghiệm hiện trường và gộp 2 vụ việc trên thành 1. Do đó, tổng diện tích sau khi khám nghiệm là 106.203m2 với giá trị bị thiệt hại là hơn 386 triệu đồng.

Ngay sau đó, Hạt kiểm lâm đã khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại rừng” và chuyển đến cơ quan CSĐT, Công an huyện để điều tra, làm rõ. Liên quan đến vụ việc, cơ quan chức năng đã điều tra, lấy lời khái của 25 đối tượng.

Theo ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông, các vụ việc này chủ yếu là người dân địa phương phá rừng làm nương rẫy. Hạt kiểm lâm đã tiến hành điều tra bước đầu, đồng thời khởi tố vụ án, chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra theo quy định.

Thay thế màu xanh của rừng phòng hộ là bạt ngàn cây mì được người dân trồng lên.
Thay thế màu xanh của rừng phòng hộ là bạt ngàn cây mì được người dân trồng lên.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 154 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Các vụ phá rừng trên có gần 335 m3 gỗ tròn, gỗ quy tròn các loại và gần 56 ha rừng bị thiệt hại. Trong đó, 7 vụ vi phạm với số lượng lớn. Tổng khối lượng gỗ trên 130 m3, thiệt hại gần 27 ha. Hiện, những vụ việc này đang được các ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Cũng theo ông Văn, để mất rừng trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đơn vị chủ rừng. Hiện, đơn vị chủ rừng đã tiến hành trồng lại hơn 18.500 cây vào chỗ diện tích rừng bị phá.

Ông Văn cho hay, đơn vị luôn phối hợp cùng các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, ý thức người dân còn hạn chế.

Người dân nơi đây có tập tục du canh du cư, họ chỉ canh tác tại khu vực trong một thời gian. Sau vài năm, khi đất đã bạc màu, người dân đi tìm mảnh đất khác để phá rừng làm nương rẫy. Khi rừng bắt đầu tái sinh người dân lại quay về tiếp tục phá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ