Styren là chất độc
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất
polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ và sơn. Styren không phải là thành phần chính của dầu nhờn thải. Styren hoạt động chủ yếu ở dạng khí. Nếu tiếp xúc với styren có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Styren tồn tại khá phổ biến trong môi trường sống, có trong khói thuốc lá, khí thải phương tiện giao thông, trong công nghiệp hoá dầu, sản xuất cao su, nhựa, thậm chí, có trong hộp xốp đựng thực phẩm. Trong nước, chất này có thể bay hơi hết sau 24 - 48 giờ; nếu vào cơ thể, có thể bán thải sau 8 - 9 giờ. Tuy nhiên, trong nước sinh hoạt, hàm lượng styren chỉ được ở mức dưới 20 microgam/lít.
TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, cho biết hàm lượng styren trong nước sạch qua kiểm nghiệm tuy cao hơn cho phép nhưng nồng độ thực tế thấp và người dân không sử dụng trực tiếp nên chưa có cảnh báo nguy hại sức khoẻ.
Tuy nhiên, ông Hải khuyến cáo để bảo đảm an toàn sức khỏe, cần súc rửa nước bể chứa. Đặc biệt, cần lưu ý an ninh nguồn nước, vì nếu vô tình hay cố ý đổ trộm hoá chất khác hay thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí là thuốc chuột vào nguồn nước, sẽ phát sinh các sự cố nghiêm trọng khác, thậm chí thực sự gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.
Trong dầu thải có cực ít styren
Than hoạt tính là nguyên liệu được sử dụng trong lọc nước và tách styren ra khỏi nước |
ThS Trần Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, trong các loại dầu khoáng gồm xăng, dầu... đa phần là không có styren hoặc có một số rất ít loại dầu có styren với hàm lượng cực kỳ thấp. Đối với dầu tổng hợp thì người ta tuyệt đối không dùng styren.
Còn thành phần nhỏ đến cụ thể như thế nào thì phải phân tích từng hàm lượng chất thơm, từng liên kết có trong mỗi loại dầu mà đưa ra cụ thể, nhưng chắc chắn là con số cực kỳ nhỏ. Dầu khoáng parafin, dầu chạy biến thế, biến áp là có khả năng có hàm lượng styren nhỏ do liên kết của hydrocacbon thơm.
“Tôi không hiểu styren vì sao lại có mặt trong nước sinh hoạt nhiễm dầu thải. Bởi trong giới chuyên môn về hóa dầu, khi nhắc đến dầu thải, không bao giờ người ta nhắc đến khái niệm styren. Có lẽ phải xem xét lại, styren có trong nước sinh hoạt từ đâu mà ra, có phải thực sự là từ dầu thải hay không?
Bản thân dầu thải là chất thải nguy hại, có rất nhiều hợp chất sinh ra trong quá trình sử dụng dầu. Thậm chí các phòng thí nghiệm ở Việt Nam cũng không thể phân tích được hết trong dầu thải gồm có những thành phần gì. Người ta phải thu gom và xử lý nghiêm ngặt, không cho phát tán ra môi trường”, ThS Trần Thắm cho biết.
TS Nguyễn Văn Khải cho rằng phải có nhiều cơ quan độc lập đứng ra lấy mẫu, xem lại quá trình cung cấp nước sạch như thế nào, công nghệ lọc có bảo đảm hay không. Trong dầu thải đáng lẽ phải có chủ yếu là benzen, stulen… dù có rất nhiều loại dầu khác nhau. Những chất có trong dầu thải còn độc gấp nhiều lần styren. Các gia đình có nước nhiễm dầu hãy khóa vòi và tiến hành súc rửa đường ống, bể chứa bởi dầu này bám rất chắc và rất lâu. Thậm chí chúng có thể bám đến vài năm chứ không bay hơi như xăng dầu thông thường.
Lọc bằng than hoạt tính
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khuyến cáo sử dụng than hoạt tính dạng hạt (GAC) hoặc phương pháp sục khí qua tháp nén để loại bỏ styren ra khỏi nguồn nước. Than hoạt tính là vật liệu rắn hấp thụ đa năng nhờ cấu trúc mao quản nhiều cỡ (nhỏ, trung bình, lớn). Đặc biệt, mao quản nhỏ của than hoạt tính hấp thụ tốt các phân tử nhỏ của chất dễ bay hơi như styren. Trong các dạng than hoạt tính, dạng hạt được sử dụng rộng rãi trong hệ thống máy lọc nước hay xử lý nước gia đình.
GAC thường được bố trí nằm giữa các tầng lọc của hệ thống xử lý nước. Từ nguồn nước cần lọc, nước có thể được bố trí chảy qua vòi sen để tạo mưa phun qua lớp cát trên cùng, giúp lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật, phèn. Sau đó, nước sẽ thấm qua lớp than hoạt tính.
Than hoạt tính sẽ hấp thụ styren cùng nhiều chất hữu cơ độc hại khác, các loại vi sinh vật nguy hiểm và trung hòa khoáng chất khó hoàn tan trong nước. Qua lớp than hoạt tính, nước tiếp tục thấm qua lớp cát thứ hai, lớp sỏi nhỏ và lớp sỏi lớn nhất trước khi đi ra bể chứa nước sạch. Tuy nhiên, than hoạt tính chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau đó, than sẽ không còn khả năng hoạt động nữa do đã bão hòa.
Đối với những nhà máy xử lý nước sạch là nước mặt như Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà, làm thế nào để kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn, giữ vững an ninh nguồn nước? GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho biết, Nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy xử lý nước mặt, thông thường các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp...
Trong khu vực vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Đơn vị sản xuất phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tại khu vực này thì sự cố sẽ khó xảy ra.