Khi niềm tin bị vấy bẩn

GD&TĐ - Trong vòng hơn một tháng qua, người dân Hà Nội phải liên tục đối mặt với những nguy cơ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chưa kịp thoát ra khỏi mê hồn trận của các loại báo cáo mỗi nơi một kiểu về tình trạng ô nhiễm sau vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lại phải đối mặt ngay với “bụi mịn” giăng mắc khắp phố phường và giờ đây, hàng nghìn gia đình lại phải xếp hàng thâu đêm để xin từng lít nước được gọi là “sạch” sau khi Nhà máy Nước Sông Đà đã cho hàng chục vạn dân ở Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai uống nước pha dầu nhớt suốt một tuần!

Nếu như sự cố cháy ở Công ty Rạng Đông, người dân quanh khu vực có thể sơ tán đi nơi khác, chờ cơ quan chức năng xử lý an toàn mới dám trở về hoặc tình trạng phải hít “bụi mịn” là một trường hợp bất khả kháng thì sự cố “nước pha dầu nhớt” là hoàn toàn có thể tránh được nếu những người bán nước ấy tử tế với khách hàng của họ.

Nước sạch đã có lẫn dầu nhớt - chuyện hai năm rõ mười như thế mà ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) vẫn cứ loanh quanh, không chịu nhận trách nhiệm về mình. Một lời xin lỗi đãi bôi nặng tính thủ tục với người dùng nước của công ty do ông đứng đầu - cũng không nốt. Nếu dầu nhớt của một tên vô lại nào đó làm vấy bẩn nguồn nước sạch Sông Đà thì những người bán nước được cho là “sạch” ấy đã làm vấy bẩn chút niềm tin mong manh còn sót lại của dân đối với những kẻ vẫn luôn rao giảng “phục vụ nhân dân”.

Những người bán nước đã táng tận lương tâm đến mức bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của hàng vạn người qua cách giấm giếm sự thật của họ. Che giấu sự thật, sợ người dân biết sự thật, cụ thể trong trường hợp này là nước đã bị nhiễm styren có từ dầu thải vượt mức cho phép từ 1,3 - 3,65 lần, những người lãnh đạo ở Viwasupco đã phơi bày tất cả sự cẩu thả, vô trách nhiệm của mình trước dân.

Người Hà Nội hẳn chưa quên ký ức của một thời chưa xa về những thiếu thốn mà họ phải chịu đựng trong thời bao cấp. Thức thâu đêm để hứng nước tại những vòi nước công cộng đã thành chuyện thường ngày thời ấy. Những tưởng quá khứ khốn cùng kia đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong ký ức của người dân Thủ đô thì nay lại tái diễn cảnh xếp hàng “xin tí nước”.

Sẽ rất khó tin nếu không được trực tiếp chứng kiến cảnh ấy giữa lòng một nơi vẫn luôn ví von là “Paris của phương Đông”! Buộc phải tái diễn cảnh xếp hàng nhếch nhác như thời tem phiếu, người Hà Nội chợt giật mình tự hỏi: Có phải chúng ta đang tham gia vào bộ phim dựng lại hiện trạng của một thời khốn khó chưa xa?

Có phải vì doanh thu 400 tỉ đồng bán nước mỗi năm đã che mờ đi trách nhiệm của Viwasupco khiến dân tình phải xài thứ nước mà đến gia súc cũng không dám uống? Đẩy hàng vạn người phải dùng thứ nước bẩn được ông Tốn ngụy trang bằng hàng loạt thuật ngữ được nhân danh “khoa học” ấy là một tội ác tày trời.

Chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần phải trả lời trước dân về cung cách quản lý của mình, về trách nhiệm của những người được dân “tín nhiệm” bầu vào bộ máy lãnh đạo để thay mặt họ “phản ứng nhanh” những sự cố đe dọa đến an nguy của dân chứ không phải chỉ đạo theo kiểu vuốt đuôi dư luận như vụ nước bẩn vừa rồi.

Đừng trách vì sao niềm tin vào những công bộc của dân hiện nay lại sứt mẻ đến thế! Nước nhiễm dầu rồi sẽ được rửa sạch nhưng niềm tin bị bôi bẩn thì khó rửa sạch lắm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ